- Tôi mang thai được 2 tháng, những ngày gần đây thời tiết rất nóng, tôi muốn uống một số loại nước giải nhiệt như nước dứa, nước dừa, nước mía. Chuyên gia cho hỏi tôi có thể uống các loại nước này được không? Nếu không thì tại sao? Nên uống với số lượng bao nhiêu là vừa? (Độc giả Lê Minh Hạnh, Hà Nội).
Một số ý kiến cho rằng, trong dứa có chứa bromelain - chất có thể gây co bóp tử cung và từ đó gây sảy thai. Ảnh: Iegvu.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tư vấn:
- Về câu hỏi của bạn, có thể nói rằng, bạn hoàn toàn có thể uống được cả 3 loại nước trên. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm:
Nước dứa: Một số ý kiến cho rằng, trong dứa có chứa bromelain - chất có thể gây co bóp tử cung và từ đó gây sảy thai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ăn dứa, uống nước dứa có thể gây sảy thai. Lượng bromelain trong một quả dứa không ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Trên thực tế, để tạo ra ảnh hưởng đến thai kỳ, bạn phải ăn từ 7-10 trái dứa cùng một lúc, và điều này hầu như không thể xảy ra. Tuy vậy, bạn không nên ăn, uống quá nhiều nước dứa bởi theo y học cổ truyền, dứa là loại trái cây có tính nóng. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu bạn bị nghén nhiều như nôn, ợ nóng thì nên hạn chế ăn, uống nước dứa.
Nước dừa: Bạn không nên uống nước dừa vào buổi tối bởi dễ khiến cơ thể bị lạnh, đầy hơi, khó ngủ dẫn đến tiêu chảy.
Nước mía: Bạn không nên uống quá nhiều nước mía một lần, hạn chế uống vào buổi tối và buổi sáng sớm vì nước mía có thể làm lạnh bụng, khiến bạn cảm thấy khó chịu. Cũng không nên uống nước mía thay nước lọc vì có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, bạn nên ước lượng uống bao nhiêu ép nước bấy nhiêu, không nên bảo quản lượng nước dư trong tủ lạnh. Đây là loại nước có lượng đường cao, dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, bà bầu đi ngoài trời nắng nóng cũng không nên uống ngay nước mía quá lạnh vì dễ bị bệnh viêm họng, cảm cúm, sốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!