Bé bị gãy chân khi ngồi trên đùi mẹ để chơi cầu trượt: Sai lầm nhiều người mắc

Nuôi dạy con - 05/18/2024

Khi cho trẻ con chơi cầu trượt, cha mẹ cần chú ý những điều sau.

Shona Keetley, 26 tuổi, cùng chồng là James, 31 tuổi, đưa cậu con trai nhỏ 18 tháng, George, đi chơi ở Công viên Rand Farm, hạt Lincolnshire, hồi tuần trước.

Sau khi con trai vui đùa thỏa thích, Shona quyết định cùng cậu bé chơi trò cầu trượt để chồng dùng điện thoại quay phim trước khi về nhà, theo The Sun. Shona để con ngồi giữa hai chân mình, hai tay cô nắm lấy tay cậu bé.

Đang trượt vui vẻ, George bỗng nhiên thu chân lên, khiến chân bị gập vào trong và gãy. Cậu bé lúc này òa khóc.

'Thằng bé lúc đó mới 18 tháng và tôi không yên tâm khi để bé chơi cầu trượt một mình. Tôi còn không tháo cả giày vì chỉ định trượt một lần thật nhanh thôi. Không nghĩ ngợi gì, tôi đặt con ngồi giữa hai chân mình rồi trượt xuống. Tôi thậm chí không nghe thấy tiếng rắc cho tới khi xem lại video. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ thằng bé khó chịu vì bị mẹ kẹp ở giữa. George khóc một lúc nhưng vài phút sau thì nín nên tôi chắc chân con bị kẹp khi trượt mà thôi', Shona kể lại.

Bé bị gãy chân khi ngồi trên đùi mẹ để chơi cầu trượt: Sai lầm nhiều người mắc

Bé George với chiếc chân gãy đi lại trong nhà sau tai nạn bất ngờ. Ảnh: The Sun.

Cả gia đình sau đó lái xe về nhà, bởi George dường như đã ổn và vui vẻ hơn. Tuy nhiên, lúc đặt con trai đứng cạnh sofa, họ mới nhận thấy điều bất thường.

'Thằng bé cố trèo lên nhưng bị ngã và bắt đầu khóc lớn', Shona kể. 'Nó không đứng dậy được, vì thế hai vợ chồng lập tức đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Lúc đó tôi vẫn nghĩ con bị căng cơ hoặc trật mắt cá'.

Sau khi đến phòng cấp cứu bệnh viện ở Grimsby, các bác sĩ tiến hành chụp X-quang cho George và kết luận bé bị gãy chân.

'Tôi có cảm giác mình là bà mẹ tồi nhất thế giới. Nhưng bác sĩ nói đây là một tổn thương rất hay gặp ở trẻ nhỏ. May là thằng bé còn nhỏ và hệ xương nhanh liền nên chỉ sau hai tuần là ổn. Tôi không nghĩ mọi người đều nắm rõ những nguy hiểm này. George là con đầu lòng và tôi chưa được bất cứ ai nhắc nhở về rủi ro đó'.

Shona, người hiện mang thai con trai thứ hai, hy vọng từ trường hợp của con mình, các bậc cha mẹ nên để ý và cẩn thận hơn khi cho các bé đùa nghịch trong các khu vui chơi trong nhà.

Bé bị gãy chân khi ngồi trên đùi mẹ để chơi cầu trượt: Sai lầm nhiều người mắc

Bức ảnh do Heather Clare chia sẻ.

Đây không phải là trường hợp duy nhất trẻ bị thương khi chơi cầu trượt. Trước đó, Heather Clare, một bà mẹ ở New York, đã chia sẻ bức ảnh ghi lại khoảnh khắc chân của con bị bẻ ngược ra sau và đang ngồi trên đùi mẹ để chơi cầu trượt.

Cha mẹ, người lớn thường cho trẻ ngồi lên lòng cùng chơi cầu trượt với suy nghĩ để bảo vệ bé. Tuy nhiên, theo một báo cáo được trình bày tại Hội thảo Quốc gia của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ vào tháng 9/2017, việc làm này thực ra còn nguy hiểm hơn để trẻ tự chơi. Cụ thể là phần chân và xương sống của trẻ có nguy cơ bị tổn thương khi trượt từ trên cao xuống. Điều này được giải thích là khi trẻ tự trượt một mình, do trẻ tiếp xúc trực tiếp với các cạnh hoặc mặt dưới của cầu trượt nên sẽ tạo ra lực đẩy ngược lại làm giảm tốc độ trượt; trong khi ngồi trên đùi cha mẹ thì ngược lại. Do có thêm trọng lượng của người lớn, tốc độ trượt sẽ nhanh hơn, chân và xương sống của trẻ bị va đập khi lao tự do trên đùi cha mẹ, từ đó dễ dẫn đến gãy xương hoặc chấn thương khác.

Vì vậy, khi cho trẻ chơi cầu trượt, cha mẹ cần chú ý những điều sau đây:

- Hướng dẫn trẻ xếp hàng để chơi cầu trượt theo thứ tự, không xô đẩy bạn phía trước; hạ người ngồi xuống rồi từ từ trượt theo chiều dốc của cầu.

- Không trèo lên cầu trượt từ phía ngược lại; không trượt theo kiểu quay lưng xuống đất

- Cầu trượt phải phù hợp với trọng lượng của bé và tuyệt đối không để trẻ ngồi trên đùi người khác khi trượt

- Ngoài ra, cha mẹ cần kiểm tra độ chắc chắn của cầu trượt hay bất cứ đồ chơi nào ở khu vui chơi trước khi cho trẻ bắt đầu

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!