Trời choạng vạng tối, bên ngoài ngôi nhà ọp ẹp của ông Phạm Văn Bản (ông nội Thơm, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An), một mình cô bé vẫn thui thủi chơi ngoài góc sân. Đã lâu lắm rồi, từ khi dân làng biết Thơm (5 tuổi) bị nhiễm HIV thì đám trẻ con trong làng không ai dám chơi cùng với em nữa.
Bố mẹ theo nhau mất vì căn bệnh thế kỷ, Thơm hiện sống cùng ông bà nội và 2 anh trai, 1 chị gái đều đang đi học. Hàng ngày nhìn các anh chị đến trường, bé cũng muốn được đi học nhưng không thể, bởi sự kỳ thị của dân địa phương.
Đầu năm học 2008-2009, Thơm được ông nội đưa đến trường mầm non xã Phúc Thành để xin đi học, sau khi xem xét hoàn cảnh cả cha và mẹ đều mất vì bệnh AIDS, cô hiệu trưởng đã từ chối ngay vì lý do: 'Sợ lây sang các bạn khác, nếu Thơm đi học thì phụ huynh sẽ cho con em nghỉ học'.
Không những nhà trường từ chối mà chính quyền địa phương cũng không đồng ý. Chủ tịch xã Phúc Thành, ông Nguyễn Văn Dương, phân trần: 'Em Thơm là một hoàn cảnh đáng thương, nhưng để thuyết phục được nhà trường cho đi học thì rất khó bởi tâm lý kì thị của người dân địa phương rất nặng nề. Nếu Thơm đi học thì các phụ huynh khác sẽ cho con nghỉ học'.
Ông nội cháu Thơm là thương binh 4/4. Một tháng ông Bản được trợ cấp gần 1 triệu đồng nhưng vẫn không đủ để nuôi 5 miệng ăn trong gia đình.
Nhiễm HIV từ lúc lọt lòng mẹ, Thơm không có bạn nào ở trong xóm dám chơi cùng (Ảnh: Trường Long)
Kể về ước muốn đi học của cháu, ông Bản nói: 'Cháu nó còn quá nhỏ để biết mình đang mang bệnh 'ết', suốt ngày cứ đòi ông đưa đi học. Tội nghiệp lắm nhưng biết làm sao được khi mà cả nhà trường và cán bộ xã không muốn cho nó đến'.
Không biết nhiều về căn bệnh này, nhưng ông thắc mắc: 'Vợ chồng tôi sống với cháu nó từ nhỏ, ăn chung, ngủ cùng mà không thấy lây bệnh, chẳng nhẽ đưa cháu đến trường lại có thể lây bệnh cho các bạn khác được hay sao?'.
Lý giải về khả năng lây bệnh của cháu, ông Nguyễn Văn Định giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An ở thành phố Vinh khẳng định: 'Trường hợp của em Thơm rất khó khả năng xảy ra lây nhiễm với các bạn nếu được đưa đến trường. Thậm chí Thơm có thể ăn chung, ngủ chung, vui chơi, sinh hoạt cùng với các bạn mà không ảnh hưởng gì. Chỉ cần cô giáo ở trường chú ý không để các dịch của cơ thể em dính vào vết thương, vết trầy xước của người khác là sẽ an toàn'.
Ông cũng cho biết việc không cho Thơm đi học là vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Điều 16, 17 của Luật này khẳng định, trẻ em có 'Quyền được học tập, quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi'.
Trước thông tin cháu Thơm bị kỳ thị, Trung tâm cũng đã cử cán bộ ra để nắm tình hình, tìm cách giải quyết những vướng mắc giữa nhà trường và nhân dân địa phương về trường hợp của cháu.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!