Bơ vơ những tâm hồn trẻ
Có dịp đến thăm Trung tâm Giáo dục- lao động số 2 (Yên Bài- Ba Vì- Hà Nội), chúng ta sẽ không khỏi nhói lòng khi chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ dắt tay nhau ra cổng đứng ngóng trông về một nơi mà đến chúng cũng chẳng biết là nơi nào.
Dù vào đây đã được cả năm, nhưng bé Văn dường như vẫn chưa quen với môi trường mới nên em cứ thui thủi một mình. Thời tiết thay đổi khiến em bị sốt, người nóng ran và nằm thu mình một góc.
Mới 3 tuổi đầu, mắt Văn luôn đượm buồn, khắc khoải. Em là một trong số rất ít những đứa trẻ ở nơi này biết tới nỗi nhớ mẹ, bởi phần lớn các em khi được đưa về đây đều mất mẹ hoặc không nhớ gì về tuổi thơ của mình do tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV.
Nhà bé Văn ở Hưng Yên. Mẹ em là một trong số hàng nghìn người phụ nữ nhận 'án tử' HIV từ người chồng phản bội. Đến khi chồng chết, người đàn bà tội nghiệp ấy mới phát hiện ra mình mắc căn bệnh thế kỷ và đau đớn hơn, căn bệnh ấy lây truyền sang cho đứa con trai bé bỏng.
Chị ôm đứa con mang bệnh tìm về nương tựa tại trung tâm, nhưng vì Văn còn một anh trai không nhiễm bệnh cũng đang cần có mẹ, nên chị đành để bé Văn ở lại, trở về quê lo cho đứa con lớn những ngày tháng cuối cùng.
Từ lúc vắng mẹ, bé Văn như đứa trẻ mất hồn, tuổi lên 2 bập bẹ nói những câu không sõi, nhớ nhớ quên quên chỉ biết ú ớ nhắc đi nhắc lại tên mình, được cho gói bim bim cũng không dám ăn bởi 'con để phần cho mẹ'. Đôi mắt chớm những giọt nước nhạt nhoà nơi khoé mắt của em khiến chúng tôi ám ảnh đến thắt lòng.
Các em ở trung tâm Giáo dục- lao động số 2 (Ảnh Lê Hiếu)
Hơn em Văn vài tháng tuổi, có 'thâm niên' ở Trung tâm lâu hơn em Văn vài tuần, nhưng anh Hải tỏ ra 'bản lĩnh đàn anh' hơn cậu em bé nhỏ 2 tuổi đầu, Hải cũng không nhớ bố mẹ còn hay đã mất, đôi mắt em tròn xoe, đôi môi mím chặt, ngây ngô mỗi khi có người hỏi đến người thân.
Nhiều người nói rằng Hải là đứa trẻ vô tư nhất lớp mầm non của Trung tâm, bởi ít khi em biết khóc, em hay nhường đồ chơi cho anh chị, cho các em khác. Mẹ Dương Thị Hồng- một trong những tình nguyện viên vẫn ngày ngày tới Trung tâm chơi với các bé, ôm bé Văn, bé Hải vào lòng, tâm sự với chúng tôi:
'Người làng vẫn xa lánh các con vì chúng mắc AIDS, nhưng với những người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau như chúng tôi, coi con cái là khúc ruột thì chúng tôi không coi bệnh của các con là đáng sợ. Khi ôm các con vào lòng, tôi biết rằng mình đang yêu thương một sinh linh bé nhỏ'.
Còn đó những ước mơ
'Nếu điều ước của cô bé bán diêm thành sự thực, thì em sẽ ước một que thôi, là em được học lên lớp cao hơn'- cô bé Lê Thuý Uyên - đứa trẻ lớn nhất ở Trung tâm cười tâm sự. Mái tóc dài ngang lưng mượt mà, gương mặt xinh xắn, đôi mắt sáng thông minh nhưng 16 tuổi, Uyên vẫn nhỏ bé như một đứa trẻ lớp 3 ở thành thị.
Và lẽ ra Uyên đã được vào học lớp 10 nếu như em không mắc phải căn bệnh thế kỷ, để rồi sau những tháng ngày nổi trôi giữa dòng đời theo người cha bệnh tật khắp từ Nam chí Bắc, cha mất, em được mẹ đưa về Trung tâm nương nhờ. Uyên ở Trung tâm cũng được 6 năm nay, và bây giờ em là học sinh lớp 5.
Lớp học rộng chừng 20 mét vuông với chừng bảy tám chiếc bàn cùng 12 đứa trẻ côi cút là sự cố gắng hết mình của những người quan tâm tới các em ở nơi này. Cô giáo Hà gắn bó với các em từ khi có sự kết hợp giữa nhà trường với Trung tâm, cô mặc cho sự kỳ thị và những ánh nhìn dè bỉu của mọi người, đã đến và yêu thương các em như ruột thịt.
Người mẹ ấy hiểu được nỗi đau và sự khát khao của những đứa con không do chị sinh ra nhưng chúng đặt cả niềm tin tương lai vào con chữ mà chị truyền dạy. Nhưng chính chị Hà và biết bao người nuôi dưỡng các em ở nơi này, đều thấy xót xa mỗi khi nghĩ đến ngày những ước mơ ấy tắt lụi vì căn bệnh thế kỷ.
Biết bao đứa trẻ đã đến và đi qua đời chị vào những buổi chiều đông lạnh giá như chiều nay, và chị thắt lòng trăn trở: 'Bé Uyên ước mơ làm phiên dịch viên, còn bé Đức ước mơ làm bác sỹ…, vẫn biết những ước mơ ấy còn xa vời lắm, nhưng mong sao các em đừng tắt lửa lòng'....
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!