TP.HCM vừa có báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch hành động quốc gia Vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với nhiều hình thức và nội dung thiết thực.
TP.HCM hiện có khoảng 1.800.000 trẻ em, trong đó có 1.478.350 trẻ em có hộ khẩu thường trú và trên 300.000 trẻ em tạm trú, chiếm 27,3% dân số thành phố.
Số trẻ em dưới 16 tuổi bị nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ước tính khoảng 25.000 trẻ. Tuy nhiên, số lượng trẻ được tiếp cận, chăm sóc còn rất thấp so với thực tế, chỉ khoảng 6.050 trẻ (chiếm 24,2%), trong đó, trẻ nhiễm HIV khoảng 1.228 em, trẻ đang điều trị ARV là 1.162 em.
Nhiều hoạt động chăm sóc và điều trị cho trẻ em bị ảnh hường bởi HIV/AIDS đã được diễn ra (Ảnh minh họa: Internet)
Thời gian qua, TP.HCM đã thiết lập mạng lưới hoạt động chăm sóc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV. Năm 2011, thành phố đã triển khai thực hiện việc đảm bảo bố trí mỗi phường, xã, thị trấn có 1 cán bộ chuyên trách trẻ em kiêm bình đẳng giới.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thông tin, truyền thông như một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi của trẻ và thanh thiếu niên trong trường học và ngoài cộng đồng, nhằm giúp trẻ tự phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho cá nhân - cộng đồng, giảm kì thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Từ năm 2010 đến nay, mỗi tháng có trên 700 trẻ được hỗ trợ thực phẩm bổ sung như: sữa, đường, dầu ăn, thịt chà bông, bột dinh dưỡng, trứng gà… với kinh phí trên 200 triệu đồng/tháng.
Hàng năm có 112 trẻ được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế từ các dự án. Riêng Ủy ban phòng, chống AIDS Thành phố với sự hỗ trợ của Cục Phòng chống AIDS đã mua cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 678 trẻ nhiễm...
UBND thành phố cũng đã phê duyệt kinh phí thực hiện chương trình Vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2015 với số tiền trên 29,4 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân trên 3,8 tỉ đồng…
Tuy nhiên, theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của Thành phố còn gặp phải một số khó khăn, thách thức như: Công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS còn hình thức, chưa sinh động, hấp dẫn; chương trình giáo dục lồng ghép sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV, kĩ năng sống còn phân tán, trùng lắp về nội dung, thiếu sự điều phối tổng thể...
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ban ngành trong thời gian tới cần phải tăng cường các hoạt động vận động người dân trong việc phòng chống kì thị phân biệt đối xử.
Cung cấp thông tin đúng về đường lây và cách phòng ngừa lây nhiễm để người dân có kiến thức và nhận thức đúng về việc sống chung an toàn với người có HIV; đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho người làm công tác chăm sóc trẻ và gia đình, huy động kết nối và hỗ trợ gia đình trẻ tiếp cận các nguồn lực từ chính sách nhà nước và các tổ chức quốc tế để các hoạt động hỗ trợ mang tính bền vững./.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!