Bé không giật mình khi ngủ: Cẩn thận với căn bệnh bẩm sinh khiến trẻ trở thành tàn tật
Phương pháp mới cấy điện cực ốc tai
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1,5 đến 3 trẻ điếc bẩm sinh. Nhóm trẻ có nguy cơ cao về khiếm thính là trẻ sinh thiếu tháng, suy thai, trẻ sinh cân nặng nhỏ dưới 2,5kg, trẻ sinh quá ngày, trẻ yếu sau sinh hoặc bị nhiễm khuẩn từ bào thai, hoặc mẹ khi mang thai bị nhiễm cúm, virut….
Thống kê từ các bệnh viện phụ sản tại Việt Nam cũng cho thấy, cứ từ 25 đến 50 trẻ trong nhóm nguy cơ cao thì có 1 trẻ bị điếc. Nguyên nhân thường do mẹ sử dụng thuốc trong thai kỳ, hoặc mẹ nhiễm siêu vi trùng trong ba tháng đầu mang thai đặc biệt là vi rút Rubella, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, số khác do dị dạng bẩm sinh do gen hoặc di truyền...
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em, BV Tai mũi họng trung ương, để xác định trẻ có bị vấn đề gì về thính lực hay không, cha mẹ có thể quan sát phản xạ nghe - cử động của trẻ. Bình thường trẻ chớp mắt, cử động chân tay, khóc, hoặc giật mình khi có tiếng động. Trẻ bị khiếm thính sẽ không có các phản ứng trên.
Ca phẫu thuật cấy điện cực ốc tai
Trẻ lớn hơn phải biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc. Trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này khi đó cha mẹ cần cho trẻ đi sàng lọc thính lực để phát hiện và có phương pháp can thiệp sớm giúp trẻ có thể hoà nhập với cộng đồng.
Để chẩn đoán được khiếm thính nên khám từ 6 đến 9 tháng. Sàng lọc sớm việc đáp ứng cũng chưa hẳn tốt vì có thể bị bệnh thật và bệnh giả.
Trước khi có phương pháp cấy đinh ốc điện tử, để giao tiếp, trẻ điếc bẩm sinh chỉ được dạy phương pháp nhìn khẩu hình người khác để đoán nghĩa chứ không thể nghe và nói.
Làm gì với trẻ điếc bẩm sinh?
Nếu như trước kia với những trẻ em bị điếc bẩm sinh sẽ trở thành tàn phế vì các em không nói được. Nhưng vài năm trở lại đây, có kỹ thuật cấy điện cực ốc tai, những người khiếm thính có thể tìm lại được âm thanh cho mình.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, cấy ốc tai điện tử là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao, trong đó người bệnh sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai.
Từ đó sẽ kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh.
PGS Nguyễn Thị Hoài An
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối. Mỗi ca phẫu thuật sẽ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ. Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành bật máy và gắn với bộ phận bên ngoài kết nối bằng nam châm qua da đầu.
Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
Phương pháp cấy ốc tai điện tử hiện nay đều có thể mang lại hiệu quả cao, trọn vẹn cho cả người lớn và trẻ em ở nhiều trường hợp như điếc bẩm sinh hay đột ngột., mang lại cảm giác âm thanh rõ ràng hơn, trả lại cuộc sống sinh hoạt vốn có của người bệnh.
Theo PGS An, cấy điện cực ốc tai được chỉ đinh cho những trường hợp trẻ em bị mất thính lực hay dây thần kinh giác quan bị tổn thương sâu ở cả hai tai.
Lứa tuổi có thể cấy an toàn là từ 1 tuổi trở lên, thời gian phù hợp nhất để phẫu thuật cho trẻ là lúc trẻ chưa hình thành ngôn ngữ, khoảng dưới 2 tuổi, muộn nhất là khoảng 5-6 tuổi. Vì trong thời gian này việc nghe rất quan trọng cho khả năng phát triển ngôn ngữ.
PGS An cho biết, nhiều trẻ cấy điện cực ốc tai 1 thời gian sau phát triển rất tốt, nghe nói thành thạo, hoạt bát, đi học rất thông minh, giao tiếp được cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, điều này giúp trẻ thay đổi cả cuộc sống của mình.
Với bệnh nhân là người lớn, mất thính lực hoặc không còn cảm giác nghe của thính giác cũng có thể tiến hành cấy ốc tai điện tử.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!