Định nghĩa
Cao huyết áp ở trẻ em là huyết áp bằng hoặc cao hơn 95% trong những trẻ cùng giới tính, độ tuổi và chiều cao. Không có mốc đơn giản để đọc huyết áp, có thể xác định cao huyết áp ở tất cả các lứa tuổi của trẻ, vì những gì được coi là huyết áp bình thường thay đổi khi trẻ lớn lên.
Cao huyết áp ở trẻ dưới 10 tuổi thường do bệnh khác. Cao huyết áp ở trẻ em cũng có thể có cùng nguyên nhân như ở người trưởng thành: bị thừa cân, chế độ ăn nghèo nàn và không tập thể dục. Nhưng với một số trẻ, dùng thuốc có thể là cần thiết.
Triệu chứng
Cao huyết áp ở trẻ thường không gây triệu chứng. Trừ khi con có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bạn có thể không cần thực hiện một cuộc khám bệnh đặc biệt để kiểm tra huyết áp của trẻ. Tuy nhiên, huyết áp của trẻ cần được kiểm tra trong những lần khám sức khỏe định kỳ, bắt đầu từ khi bé được 3 tuổi.
Nếu trẻ có khả năng làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, bao gồm sinh non, cân nặng khi sinh thấp, bệnh tim bẩm sinh hoặc một số bệnh thận, việc kiểm tra huyết áp có thể được bắt đầu ngay trong giai đoạn sơ sinh.
Nếu bạn lo lắng về việc trẻ có yếu tố nguy cơ bị cao huyết áp, chẳng hạn như thừa cân hoặc béo phì, hãy xin ý kiến tư vấn của bác sĩ.
Nguyên nhân
Cao huyết áp ở trẻ nhỏ thường liên quan đến những vấn đề sức khỏe khác như dị tật tim, bệnh thận, bệnh di truyền hoặc rối loạn nội tiết tố. Ở trẻ lớn hơn - đặc biệt là những trẻ thừa cân - nguyên nhân chính xác gây cao huyết áp thường không xác định được.
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ đối với cao huyết áp của trẻ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, di truyền hoặc các yếu tố lối sống.
Cao huyết áp nguyên phát
Cao huyết áp nguyên phát là cao huyết áp tự xuất hiện, không có nguy cơ tiềm ẩn nào. Đây là loại cao huyết áp thường mắc ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Các yếu tố nguy cơ gây cao huyết áp nguyên phát ở trẻ gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể > 25)
- Tiền sử gia đình bị cao huyết áp
- Bệnh tiểu đường týp 2 hay mức độ đường huyết lúc đói cao
- Lượng cholesterol và triglycerid cao
Cao huyết áp thứ phát
Cao huyết áp thứ phát là cao huyết áp gây ra bởi bệnh khác. Loại cao huyết áp này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Các bệnh có thể tăng nguy cơ mắc cao huyết áp bao gồm:
- Bệnh thận mạn tính
- Bệnh thận đa nang
- Vấn đề về tim, như hẹp động mạch chủ
- Rối loạn tuyến thượng thận
- Bệnh ảnh hưởng đến thận, như bệnh lupus ban đỏ
- Cường giáp
- U tủy thượng thận, khối u hiếm gặp ở tuyến thượng thận
- Hẹp động mạch thận
Cao huyết áp thứ phát là loại phổ biến ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Các biến chứng
Trẻ bị cao huyết áp thường có khả năng tiếp tục bị cao huyết áp khi trưởng thành trừ khi chúng bắt đầu được điều trị.
Biến chứng thường gặp ở trẻ bị cao huyết áp là ngừng thở khi ngủ, tình trạng mà trẻ có thể ngáy to hoặc thở bất thường khi ngủ. Hãy chú ý tới những vấn đề về hô hấp mà trẻ có thể gặp phải trong khi ngủ. Những trẻ có vấn đề hô hấp rối loạn khi ngủ như ngừng thở thường có huyết áp cao - đặc biệt những trẻ thừa cân.
Thông thường, nếu tình trạng cao huyết áp của trẻ kéo dài đến khi trưởng thành, con của bạn có thể gặp những nguy cơ như:
- Đột quỵ
- Cơn đau tim
- Suy tim
- Bệnh thận
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh cao huyết áp
Vân Doãn (Mayoclinic)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!