Bệnh do cúm A/H1N1 nguy hiểm, dễ lây lan

Các bệnh - 11/24/2024

Bệnh cúm A/H1N1 được gọi là 'cúm heo' hoặc 'cúm lợn' do virus cúm A/H1N1 gây ra.

Được biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định đổi tên virus cúm A/H1N1 thành virus cúm đại dịch H1N1/09 để tránh nhầm lẫn với virus cúm A/H1N1 (cúm mùa) trước đó. Năm 2018, virus này và một số biến thể có chiều hướng bùng phát trở lại tại một số quốc gia châu Á. Hiện nay, ở nước ta đã xuất hiện bệnh cúm A/H1N1 tại tỉnh Kon Tum. Vậy cần làm gì để ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này?

Diễn biến của cúm A/H1N1

Tại Việt Nam, không phải bây giờ mới xuất hiện bệnh cúm A/H1N1 mà bệnh đã xâm nhập Việt Nam từ ngày 31/5/2009. Đến ngày 30/7/2009, đã có gần 800 trường hợp mắc ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và đã có trường hợp tử vong. Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, tại địa phương này vừa ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 tử vong, đó là bệnh nhân N.N.T (50 tuổi, trú thị trấn Đắk Tô, huyện Đak Tô, Kon Tum). Đặc biệt, bệnh cúm A/H1N1 là bệnh dịch có khả năng lây lan nhanh ra cộng đồng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời có thể gây nguy hiểm bởi đường lây truyền bệnh rất đơn giản.

Đường lây nhiễm bệnh và độc tính của A/H1N1

Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 - 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Vì vậy, mùa đông là thời tiết thuận lợi cho virus phát triển.

Cúm A/H1N1 lây qua đường mũi, miệng, mắt, các vật dụng hàng ngày, sàn nhà nếu bị nhiễm cúm A/H1N1 có thể là nguồn lây nhiễm mỗi khi bàn tay đụng chạm vào rồi đưa lên mắt, mũi, miệng, từ đó virus đi vào đường hô hấp gây bệnh. Thông thường, virus lây lan từ giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh bị cúm A/H1N1 ho, hắt hơi bắn ra không khí, nếu người lành chưa có kháng thể chống virus cúm A/H1N1 hít phải sẽ lâm bệnh hoặc lây do tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng rồi hít vào phổi sẽ lâm bệnh.

Bệnh do cúm A/H1N1 nguy hiểm, dễ lây lanCác biện pháp phòng ngừa cúm A/H1N1 hiệu quả.

Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian từ 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, hội họp...

Về độc tính của H1N1, khác với các virus cúm theo mùa thông thường, cúm A/H1N1 cho thấy khả năng tấn công sâu vào các tế bào phổi - nơi nó gây ra chứng viêm phổi và thậm chí dẫn tới tử vong trong trường hợp nghiêm trọng. Trái lại, virus cúm theo mùa thường chỉ tấn công các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh nhân sẽ bị sốt trên 38 độ C, rét run, đau họng, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ớn lạnh, cơ thể đau nhức cơ - khớp, mệt mỏi. Một số người còn có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu bệnh nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng khó thở, viêm phổi và có nguy cơ tử vong nếu cấp cứu không kịp thời.

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi ngờ bị bệnh cúm H1N1, cần được khám và điều trị sớm tại cơ sở y tế. Thuốc điều trị cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không nên tự chẩn đoán và tự mua thuốc để tự điều trị.

Bệnh do cúm A/H1N1 nguy hiểm, dễ lây lanBệnh cúm A/H1N1 lây lan mạnh nên cần cách ly để ngăn chặn kịp thời.

Nguyên tắc phòng bệnh

Cúm A/H1N1 là bệnh rất dễ lây lan với tốc độ nhanh. Vì vậy, cần tuân thủ một số biện pháp cơ bản phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng như phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng có tính chất diệt khuẩn sau khi đi ra ngoài về, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người bệnh và người tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn (khẩu trang y tế) để mỗi khi hắt hơi, ho, virus không bắn ra ngoài và người lành không hít phải.

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng gió tại công sở, trường học, nhà ở. Vệ sinh sạch sẽ hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường ở bề mặt bàn ghế, mặt tủ, tay nắm cửa, sàn nhà... Tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm A/H1N1, nhất là các đối tượng rất dễ mắc bệnh như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già yếu... Theo dõi sát sức khỏe của bản thân và gia đình, nhất là đang sống trong vùng có dịch cúm, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng..., phải đi khám bệnh ngay tại cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh và cách ly sớm. Mọi gia đình, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ cần được tiêm phòng bệnh đầy đủ tại cơ sở y tế xã, phường theo chỉ dẫn của cán bộ y tế địa phương.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!