Bệnh một đằng, dùng thuốc một nẻo

Cần biết - 11/24/2024

Tổn thương trên da do vi nấm và do virut Herpes hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn có trường hợp bị nhầm lẫn dẫn đến việc dùng thuốc điều trị không đúng bệnh...

Tổn thương trên da do vi nấm và do virut Herpes hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn có trường hợp bị nhầm lẫn dẫn đến việc dùng thuốc điều trị không đúng bệnh khiến thương tổn ngày càng lan rộng, trở nặng, kéo dài thời gian dùng thuốc và gây tốn kém cho người bệnh.

Bị nấm da tưởng nhầm là Herpes

Anh Nguyễn Văn An (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đến khám bác sĩ trong tình trạng toàn bộ vùng da mông, vùng bẹn và vùng tam giác bị đỏ có bờ viền ranh giới rõ, bờ gồ cao trên mặt da và có mụn nước nhỏ li ti, giữa đám tổn thương có xu hướng lành, hơi bong vảy da, gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Đây là một trường hợp nấm da nặng, điển hình rất hiếm gặp ở thành phố lớn như Hà Nội.

ThS.BS. Đỗ Xuân Khoát - Trưởng khoa Da liễu và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện 198 cho biết, nguyên nhân bệnh diễn biến nặng là do anh An đã sử dụng không đúng thuốc điều trị nấm. Được biết, ngay từ khi có những nốt nhỏ li ti đầu tiên, anh An tưởng mình nhiễm virut Herpes nên dùng thuốc acyclovir để bôi. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng lan rộng, diễn biến nặng nề hơn trước nên sau thời gian đi công tác xa, anh quyết định đến khám tại chuyên khoa da liễu. Đến đây, anh được chẩn đoán chính xác là nhiễm nấm da, hay còn gọi là hắc lào và được chỉ định thuốc điều trị.

Bệnh một đằng, dùng thuốc một nẻo

Tổn thương trên da của bệnh nấm da.

Các thuốc trị nấm da

Bệnh nấm da có nhiều loại thuốc điều trị, chủ yếu là thuốc bôi ngoài da. Các loại thuốc bôi cổ điển đã được pha chế sẵn như antimycose, BSA, ASA, BSI... có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, để lại màu đen trên da như sạm da hoặc gây biến chứng.

Khắc phục nhược điểm này, gần đây có nhiều loại thuốc kháng nấm mới có thể dùng tại chỗ hay uống. Thuốc bôi có dẫn xuất của imidazole như econazole, miconazole, clotrimazole, ketoconazole... mặc dù có thể gây dị ứng nhẹ nhưng ưu điểm của những thuốc này là không màu, mùi thơm, không gây lột da, viêm tấy.

Nếu nấm tái phát nhiều lần hay lan rộng nhiều vị trí, thường sử dụng thuốc uống như griseofulvin, ketoconazole, itraconazole, fluconazole... Tuy nhiên, cần cẩn thận khi sử dụng thuốc chống nấm toàn thân do thuốc có tác dụng phụ và được sử dụng hạn chế ở những người có bệnh nội khoa mạn tính như gan, thận...

Đối với mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định riêng phù hợp với giai đoạn bệnh và mức độ tổn thương. Trong trường hợp nặng như của anh An, bác sĩ đã chỉ định anh dùng sản phẩm chứa hoạt chất ketoconazole loại kem bôi và tắm gội toàn thân để ngăn ngừa bào tử nấm lây lan sang các vị trí khác trên cơ thể. Ngoài ra, anh còn cần uống thêm itraconazole ngắt quãng (uống 10 ngày, nghỉ 20 ngày) vì nghi ngờ nấm đã xâm lấn đến tế bào sừng.

Bệnh một đằng, dùng thuốc một nẻo

Nhiễm virut Herpes.

Những lưu ý khi dùng thuốc chữa nấm da

Khi dùng thuốc chữa nấm da, người bệnh nên bôi thuốc trong phạm vi vùng da bị tổn thương, không nên bôi sang cả vùng da lành, da non sẽ gây bỏng, chảy nước vùng bôi thuốc.

Tuyệt đối không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Nên tắm rửa nhẹ nhàng, không chà mạnh bằng xà phòng diệt nấm. Tuyệt đối không được bôi một trong các chế phẩm có steroid như: flucinar, gentrisone, diprosone, fobancort... vì các chế phẩm này làm cho nấm lan rộng ra và ăn sâu xuống, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, các loại thuốc này còn làm che giấu triệu chứng bệnh và khi bôi lâu dài sẽ dễ đưa đến tác dụng phụ như teo da, rạn da, làm mất thẩm mỹ và không chữa trị khỏi được.

Bên cạnh đó, BS. Khoát còn nhấn mạnh, người bệnh không nên uống rượu, bia trong thời gian uống thuốc vì dễ làm tổn thương gan. Khi điều trị nấm da cần điều trị dứt điểm, để tránh lây lan nhất là lây đến những vùng khó điều trị và mất nhiều thời gian như vùng háng. Tuy nhiên, cùng với việc điều trị nấm da, người bệnh cũng cần hết sức cẩn thận để tránh mầm bệnh lây lan sang người xung quanh bằng cách dùng riêng khăn tắm, khăn mặt, quần áo, chăn đắp, gối hay ngủ riêng giường.

Người bệnh sau khi chữa khỏi bệnh nấm thì cũng cần giữ gìn vệ sinh để tránh bệnh nấm có thể quay trở lại, làm cho việc điều trị khó khăn, kéo dài hơn. Tuy nhiên, qua trường hợp của anh An thì điều quan trọng nhất được rút ra chính là khi bị bệnh, không nên tự mày mò tìm kiếm thông tin và tự chữa mà nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng bệnh, dùng đúng thuốc, tránh “bệnh một đằng, dùng thuốc một nẻo”.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!