Bệnh phế cầu khuẩn, làm sao để phòng tránh?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/25/2024

Phế cầu khuẩn (streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn nguy hiểm dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.

Vi khuẩn phế cầu (streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn nguy hiểm dẫn đến các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.

1. Nguyên nhân gây phế cầu khuẩn là gì?

Loài vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus.S.pneumoniae là tác nhân gây ra viêm phổi do phế cầu khuẩn. Viêm phổi bắt đầu xuất hiện khi các vi trùng thâm nhập vào phổi qua đường hô hấp. Do đó, bạn có thể mắc bệnh sau một cơn cảm lạnh hoặc cúm.

Ngoài ra, các bệnh mãn tính như hen suyễn, tim mạch, ung thư hoặc tiểu đường cũng là nguy cơ khiến bệnh nhân mắc phải viêm phổi.

2. Các triệu chứng bệnh phế cầu khuẩn

Các triệu chứng viêm phổi do phế cầu khuẩn thường xuất hiện nhanh chóng sau khi phơi nhiễm bệnh bao gồm:

  • Ho: bệnh nhân có thể sẽ ho ra chất nhầy (đờm) từ phổi. Chất nhầy có màu xanh lá hoặc pha lẫn máu;
  • Sốt;
  • Thở nhanh và hổn hển;
  • Run rẩy và ớn lạnh;
  • Đau ngực khi ho hoặc thở;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Cảm thấy rất mệt mỏi ;
  • Buồn nôn;
  • Tiêu chảy.

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nhẹ, bác sĩ gọi đây là “viêm phổi không điển hình”. Người lớn tuổi có thể bộc phát các triệu chứng khác nhau, tùy mức độ nặng hay nhẹ. Họ không bị sốt, có thể bị ho nhưng không có đàm.

Triệu chứng do virus gây ra cũng giống như các triệu chứng do vi khuẩn gây ra, nhưng thường tiến triển chậm hơn và không rõ ràng.

3. Phế cầu khuẩn được điều trị như thế nào?

  • Nếu viêm phổi do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc kháng sinh. Những loại thuốc này hầu như chữa dứt điểm viêm phổi do vi khuẩn gây ra. Bạn hãy sử dụng kháng sinh chính xác như hướng dẫn. Bên cạnh đó, bạn đừng ngừng uống thuốc khi thấy bệnh tình bắt đầu cải thiện, bởi vì kháng sinh chỉ phát huy tối đa tác dụng nếu bạn dùng thuốc đầy đủ và tuân thủ đúng liều lượng;
  • Viêm phổi có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng sau khi dùng kháng sinh, tình hình sức khỏe sẽ chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ nếu sau 2 đến 3 ngày dùng kháng sinh bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Trong quá trình dưỡng bệnh, bệnh nhân phải nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, đừng quên bổ sung thêm nước cho cơ thể. Bạn tuyệt đối không nên hút thuốc khi đang điều trị bệnh;
  • Nếu cơn ho khiến bạn phải thức dậy vào ban đêm, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc ho làm dịu các cơn ho;
  • Viêm phổi do virus thường không được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng đôi khi, kháng sinh được sử dụng để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Việc điều trị ở nhà, chẳng hạn như nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe, thường sẽ giúp bệnh tình hồi phục khá nhanh chóng.

4. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn?

  • Các chuyên gia khuyên rằng trẻ em và người lớn đều nên tiêm ngừa bệnh phế cầu khuẩn. Trẻ em sẽ được chủng ngừa phế cầu khuẩn trong các buổi tiêm ngừa định kỳ. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến khích việc tiêm chủng 2 loại vắc-xin phế cầu khuẩn khác cho những người từ 65 tuổi trở lên;
  • Nếu bạn hút thuốc hoặc mắc phải các bệnh mãn tính, bạn chắc chắn nên chủng ngừa phế cầu khuẩn;
  • Bạn cũng có thể chủng ngừa cúm để phòng phế cầu khuẩn, bởi vì nhiều người sau khi bị cúm thường bị viêm phổi;
  • Bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi bằng cách tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh, sởi hoặc thủy đậu. Đừng quên rửa tay thường xuyên vì điều này giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus và vi khuẩn phế cầu khuẩn đấy.

Trên đây là những thông tin về bệnh phế cầu khuẩn, những triệu chứng và cách phòng ngừa, hy vọng giải đáp cho bạn những thắc mắc về loại bệnh này để đề phòng và điều trị bệnh hợp lý.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Viêm phổi không điển hình
  • Bệnh phế cầu khuẩn, làm sao để phòng tránh?
  • Viêm màng não do virus

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!