Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi lúc giao mùa

Các bệnh - 11/24/2024

Khi thời tiết thay đổi hoặc vào những lúc giao mùa, người cao tuổi hay trở bệnh, đặc biệt các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, viêm phổi là dạng bệnh thường gặp nhất.

Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Nguyên nhân của viêm phổi

Tác nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus, vi nấm; do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào); do hít sặc (thức ăn, nước ao hồ); do khí độc (hơi xăng dầu); do ít vận động, nằm lâu.

Viêm phổi ở người cao tuổi (NCT) thường gặp nhất do nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm hoặc sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp trên, niêm mạc đường dẫn khí hô hấp bị tổn thương làm cho vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập, tấn công vào phổi và gây bệnh. Điều đáng lo ngại nhất ở NCT bị viêm phổi do virus vì những người này thường có bệnh lý mạn tính đi kèm và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi lúc giao mùa

Tại sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi

- Sự lão hóa và tuổi tác tiến triển dần theo thời gian làm cho các bộ phận, cơ quan của NCT suy yếu. Phổi và phế quản bị lão hóa, xơ hóa dần, khả năng đàn hồi, giãn nở kém đi. Vì thế chức năng hô hấp cũng kém hơn.

- Chức năng của hệ miễn dịch suy giảm, nhất là khi quá trình lão hóa diển ra ngày càng rõ rệt hơn. Nên NCT rất dễ bị viêm nhiễm, đặc biệt ở những người phải hóa trị hay phải dùng thuốc kháng viêm kéo dài.

- NCT thường có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, di chứng đột quỵ, Parkinson, Alzheimer… nên nguy cơ bị viêm nhiễm đường hô hấp cao hơn. Các bệnh mạn tính ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, xơ nang, giãn phế quản… cũng làm cho chức năng và miễn dịch hô hấp suy giảm trầm trọng do vậy làm gia tăng tỷ lệ viêm phổi.

- NCT nếu phải phẫu thuật, vì cần có thời gian chữa lành vết thương, người bệnh phải nằm lâu, sử dụng thuốc giảm đau nhiều… sẽ làm cho động tác hít thở nông hơn nên gây ứ đọng đàm nhớt, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Vì thế, cần phải theo dõi sát sức khỏe của NCT và sớm có biện pháp phòng ngừa thích hợp ngay từ đầu.

Triệu chứng viêm phổi ở người cao tuổi

Dấu hiệu của viêm phổi ở NCT rất khác so với người trẻ. Nhiều trường hợp người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt, nhất là những người tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động hoặc đi lại khó khăn, ăn uống thất thường.

Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là ở những NCT có bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Ho có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính ít máu, nhưng cũng có trường hợp không ho. Ngoài ra còn tức ngực và khó thở nhẹ hoặc điển hình như thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng. Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước (môi khô, lưỡi trắng, má hóp, da nhăn nheo).

Chẩn đoán chính xác cần chụp X-quang phổi và nuôi cấy đàm, chất nhầy phế quản để xác định vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó, chọn kháng sinh thích hợp.

Khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt bởi vì nếu để muộn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm phổi do COVID-19 ở người cao tuổi

Hiện nay, thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID -19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Đến nay, dịch bệnh lan rộng tại nhiều thành phố ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Số người mắc do lây nhiễm và số người chết ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Virus này có khả năng lây lan từ người sang người, xảy ra liên tục, lây truyền qua 4 con đường chính:Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh (giọt giọt bắn từ đường hô hấp khi ho, hắt hơi, sổ mũi).Lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh, bao gồm cả việc bắt tay người bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng tránh. Lây truyền gián tiếp khi vô tình chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Lây nhiễm qua đường phân, có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh. Khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Thời gian ủ bệnh từ khi có phơi nhiễm với căn nguyên cho đến khi có triệu chứng từ 2-14 ngày. Triệu chứng ban đầu hay có thể sốt, ho khan, mệt mỏi, khó thở, đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Thực tế, ở mỗi người bệnh do sức đề kháng khác nhau sẽ có biểu hiện khác nhau. Do đó để xác định có mắc bệnh hay không cần thực hiện xét nghiệm.

Tỉ lệ tử vong do COVID- 19 ở người trên 70 tuổi hơn 22%, đặc biệt ở những người có bệnh từ trước như bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính, tăng huyết áp, ung thư …

Các chuyên gia nhận thấy có liên quan giữa hút thuốc lá và viêm phổi do COVID-19. Thường gặp ở nam giới, lớn tuổi, có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì biến chứng nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao gấp 3 lần. Người nhiễm Covid -19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng, như: Viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch. Có thể do bệnh mạn tính khiến cơ thể khó xử lý những tổn thương do tác nhân gây bệnh mới gây ra. Cũng có thể do hệ miễn dịch suy yếu theo tuổi tác nên không đủ khả năng chống lại virus corona chủng mới.

Phòng ngừa

- Khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu dần làm cho sự đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, tiêm vắc-xin ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm. Người chăm sóc cũng như các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin chống viêm phổi.

Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp phòng tránh viêm phổi:

- Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.

- Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xức người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.

- Giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng.

- Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

- Bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia.

- Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ…

Những thói quen tốt này sẽ giúp cho sức khỏe và hệ miễn dịch tăng lên, vừa giúp ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời giúp kiểm soát được bệnh mãn tính kèm theo.

- Trường hợp đang điều trị tại bệnh viện về các bệnh phổi, nên tập cách thở sâu, giúp cho phổi làm việc tốt và nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!