Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; hơn 7 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%).
Ngân sách nhà nước đã dành hơn 17.517 tỷ đồng trợ giúp xã hội cho NCT bao gồm trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế, khoảng 10.000 NCT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Trong tổng số hơn 11 triệu NCT hiện chỉ có 3,1 triệu NCT có lương hưu và 1,7 triệu NCT có trợ cấp xã hội và mới có khoảng 10 triệu NCT tham gia BHYT (đạt 95%). 5% còn lại chủ yếu là NCT có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Mặc dù công tác chăm sóc NCT thời gian qua đang được quan tâm rất nhiều. Nhưng ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, thực tế công tác chăm sóc NCT tại các địa phương cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm như tiền trợ cấp hàng tháng với các đối tượng còn thấp; các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc nuôi dưỡng NCT còn ít, mức hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng chưa cao... Các vấn đề này đã được đề cập, Bộ LĐTBXH cũng đã có nghiên cứu để trình phương án bổ sung, giải quyết thời gian tới nhằm hướng tới việc thực hiện chăm sóc toàn diện cho NCT.
Ở nước ta, hiện số lượng NCT ngày càng tăng với tốc độ già hóa dân số. Tuổi thọ trung bình của người dân đã cao hơn, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Điều này đòi hỏi vấn đề chăm sóc NCT, đặc biệt là người cao tuổi nông thôn cần được quan tâm chăm sóc hơn cả về thể chất, tinh thần.
Nói về vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam cho rằng, hiện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước đã triển khai thành lập quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở 9.951 xã, phường; thị trấn có quỹ Toàn dân chăm sóc NCT và Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT. 60/63 tỉnh, thành phố đã triển khai, xây dựng được gần 3000 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 160.000 thành viên tham gia… Nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được triển khai. Đặc biệt, qua chương trình 'Mắt sáng cho NCT' đã có trên 3,6 triệu NCT được khám, tư vấn các bệnh về mắt, chiếm 40,86% tổng số NCT.
Trong quá trình trình thực hiện các chính sách hướng về NCT đã và đang gặp phải những khó khăn, hạn chế, hiệu quả chưa đồng đều. Ở xã, thôn đã có Hội NCT nhưng quy mô hoạt động vẫn còn nhỏ lẻ. Các hình thức giúp đỡ NCT từ phía cộng đồng hiện mới chủ yếu là thăm hỏi, động viên mà nhiều người chưa nhận được sự chăm sóc thường xuyên của xã hội.
Ở nông thôn, không ít NCT có hoàn cảnh khó khăn cả về kinh tế, sức khoẻ, có người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch COVID -19 cũng như thiên tai, bão lũ thì người cao tuổi là đối tượng dễ bị tác động tới sức khỏe nhất.
Điều đáng nói là ở nhiều nơi, NCT có tâm lý không khám sức khỏe định kỳ. Một số người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa thuộc diện hộ nghèo nên cũng không chi tiền mua BHYT vì thế lúc ốm đau không có tiền để đi khám. Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế tới hết năm 2019 có 54% người cao tuổi có bệnh cao huyết áp, 42% có bệnh xương khớp, 20% có bệnh về phổi, 18% có bệnh liên quan đến tiêu hóa…
Người cao tuổi cần được quan tâm chăm sóc hơn cả về thể chất, tinh thần, đặc biệt là người cao tuổi ở nông thôn. Ảnh minh họa IT
Để nâng cao sức khỏe cho NCT, nhiều địa phương phối hợp với các đơn vị từ thiện, chủ yếu là các bệnh viện thực hiện các Chương trình chăm sóc sức khỏe như Tư vấn, khám miễn phí và cấp phát thuốc cho NCT vào ngày 1/10 hoặc ngày 6/6. Phần lớn kinh phí vẫn nhờ từ đơn vị từ thiện, bệnh viện chi trả nên nhiều khi muốn tổ chức nhiều chương trình, chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho hội viên nhưng kinh phí hạn chế nên thực hiện cũng gặp khá nhiều khó khăn. Các Hội cũng chỉ tổ chức được một số các 'Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau', không cần kinh phí hoặc kinh phí do chính hội viên tự đóng góp như câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng chuyền…
Trong những năm tới, số người cao tuổi của nước ta sẽ gia tăng nhanh chóng. Để người cao tuổi sống khỏe – hạnh phúc – có ích, các chuyên gia nhấn mạnh việc quan tâm chăm sóc hơn cả về thể chất, tinh thần NCT là điều rất quan trọng. Không chỉ từ người thân trong gia đình mà còn cần chung tay cả xã hội.
Trong đó, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua BHYT phải được thiết kế để ứng phó tốt với già hóa dân số, đặc biệt phải chú trọng đến nhóm NCT thuộc các gia đình nghèo và cận nghèo... Cùng với đó, xây dựng chế độ Bảo hiểm chăm sóc tuổi già nhằm tạo điều kiện tốt để NCT sau có thể vào sống trong các Trung tâm chăm sóc NCT mà không phải lo chi phí, nhất là với NCT ở nông thôn phần lớn không có lương hưu, thu nhập thấp và không ổn định, phải sống dựa vào con cháu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!