Tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi cũng gia tăng theo tốc độ già hóa

Thời sự - 11/24/2024

Theo các chuyên gia, nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính và phức tạp với gánh nặng 'bệnh tật kép' khi có nhiều bệnh mạn tính cùng một lúc. Hơn nữa, hiện nay người cao tuổi ngày càng nhiều dẫn tới tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi cũng tăng lên.

Gia tăng mắc ung thư ở người cao tuổi

Người cao tuổi (NCT) được định nghĩa là người từ 65 tuổi trở lên. Người cao tuổi cũng được chia ra 3 nhóm tuổi: 65 - 74 tuổi, 75 - 84 tuổi, và từ 85 tuổi trở lên.

Kết quả Điều tra quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2012) cho thấy: Có đến 65,4% người cao tuổi tự đánh giá tình hình sức khỏe của mình là yếu và rất yếu, chỉ có 29,8% tự đánh giá sức khỏe của mình bình thường và 4,8% cho rằng sức khỏe của mình tốt và rất tốt.

Khi con người già đi đồng nghĩa với việc khả năng cơ bản bao gồm khả năng thể lực và trí óc có xu hướng giảm sút. Nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính và phức tạp với gánh nặng 'bệnh tật kép' khi có nhiều bệnh mạn tính cùng một lúc. Bệnh tật tăng lên, sức khỏe giảm đi kéo theo sự suy giảm về khả năng lao động của người cao tuổi.

Hiện nay người cao tuổi ngày càng nhiều dẫn tới tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi cũng tăng lên. Các chuyên gia cho rằng, lý do người cao tuổi dễ mắc bệnh lý ung thư hơn do họ có thời gian tiếp xúc với các chất sinh ung thư, tích tụ lại theo thời gian và từ đó có thể gây bệnh ung thư.

Theo Globocan 2012, có khoảng 6,7 triệu ca mắc mới là người cao tuổi (chiếm 47,5% tổng số ca ung thư) và dự đoán đến năm 2035 có 24 triệu ca mắc mới, tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi chiếm 57,6%.

Tỷ lệ ung thư ở người cao tuổi cũng gia tăng theo tốc độ già hóa

Người cao tuổi cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh minh họa

5 loại ung thư hay gặp ở người cao tuổi nữ giới được bác sĩ bệnh viện K Trung ương khuyến cáo là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan và ở người cao tuổi nam giới thường gặp là ung thư tiền liệt tuyến, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan.

Việc phát hiện ung thư ở người cao tuổi thường sẽ khó hơn ở người trẻ vì thường kèm theo nhiều bệnh lý nền dẫn tới các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư bị mờ nhạt, nhầm với bệnh lý khác.

Hơn nữa, nhiều bệnh ung thư cần phải can thiệp để chẩn đoán bệnh, nếu có bệnh lý kèm theo sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn, ung thư phế quản phổi thể trung tâm cần soi phế quản để chẩn đoán xác định hoặc nhiều trường hợp cần sinh thiết kim lớn để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên cần phải cân nhắc kỹ khi tiến hành can thiệp chẩn đoán vì có thể gây ra những tai biến, biến chứng dẫn tới tử vong.

Nâng cao sức khỏe người cao tuổi

Để nâng cao sức khỏe của người cao tuổi, trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách triển khai như Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025; các Chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm phổ biến giai đoạn 2012 - 2015; Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025; Chiến lược quốc gia phòng, chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…

Tuy nhiên, đánh giá của nhiều chuyên gia dân số cho rằng, tốc độ già hóa dân số nhanh ở nước ta sẽ phát sinh rất nhiều các vấn đề. Dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hệ thống y tế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cần được quan tâm đúng mức để NCT vừa tăng tuổi thọ, vừa cho người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số.

Riêng đối bệnh lý ung thư ở người cao tuổi, việc điều trị vẫn còn nhiều thách thức. Theo các bác sĩ bệnh viện K, mặc dù bệnh ung thư ở người cao tuổi thường có tiến triển chậm, độ ác tính tế bào thấp hơn so với người trẻ tuổi nhưng khó can thiệp điều trị do thể trạng kém, nhiều bệnh lý kèm.

Nhiều bệnh nhân hơn 80 tuổi mới phát hiện ra bệnh ung thư, khi đó thời gian sống thêm không nhiều dẫn tới ảnh hưởng quyết định điều trị cho bệnh nhân. Tiên lượng của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thể loại bệnh, giai đoạn mắc cùng thể trạng, tuổi tác… Thay vì điều trị triệt căn, đôi khi bác sĩ sẽ phải chọn phác đồ chăm sóc, điều trị chăm sóc triệu chứng ở NCT.

Các chuyên gia nhấn mạnh, người cao tuổi thường có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém hơn nên để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi càng cần quan tâm. NCT cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, kết hợp tập luyện, vận động nhẹ nhàng và chú ý đến các biểu hiện bất thường của cơ thể để khám, điều trị các bệnh lý nói chung, ung thư nói riêng một cách kịp thời.

Nếu không may, phát hiện bệnh khi ở độ tuổi cao hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, trao đổi cùng bác sỹ điều trị để được tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thực tế, đã có những ca ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư vú ..... đã được bác sĩ bệnh viện K thực hiện thành công, chất lượng sống nhiều người bệnh 80, 90 tuổi đã được cải thiện và nâng cao hơn sau điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!