Làm sao để người cao tuổi tránh rủi ro, cô đơn trong điều kiện già hóa dân số?

Thời sự - 04/25/2024

Theo các chuyên gia, số người cao tuổi tăng lên. Người già đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân đang ngày càng phát triển thay mô hình truyền thống 'tam tứ đại đồng đường'.

Nhiều rủi ro với người cao tuổi

Theo các chuyên gia, số người cao tuổi (NCT) tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân đang ngày càng phát triển thay mô hình truyền thống tam tứ đại đồng đường. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993 - 2008 chỉ rõ xu hướng thay đổi này. Tỷ lệ NCT sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ NCT sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng NCT thì tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình 'khuyết thế hệ' dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn 2 lần.

Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, dù có tiền của hay không, người già vẫn cần sự chăm sóc, bảo vệ. Nhiều người già hiện nay không có lương hưu, không chuẩn bị trước cho mình về kinh tế, cụ thể là nguồn thu nuôi sống họ hằng tháng, chi phí đảm bảo được chữa trị và chăm sóc đúng mức khi ốm đau, già yếu.

Làm sao để người cao tuổi tránh rủi ro, cô đơn trong điều kiện già hóa dân số?

Ảnh minh họa

Trên thực tế, có không ít trường hợp khi NCT sống cùng con cháu thành đạt có đầy đủ điều kiện vật chất nhưng vẫn cảm thấy cô đơn.

Từ quê ra ở với vợ chồng con trai được hơn năm nay, bà M ở Nam Định đã đòi về lại quê ở một mình với mảnh vườn luống rau và quyết không ở lại gia đình con trai dù các con nằng nặc đòi đón mẹ ra ở cho vui cửa vui nhà. Bà chia sẻ chia sẻ: 'Ở nhà cả ngày một mình nhiều lúc không chịu nổi. Muốn đi chơi cũng không biết chỗ nào đi. Nhiều lúc thấy cô đơn lắm khi các con đi làm, cháu đi học từ sáng tới tối mịt với về'.

Tình cảnh những người già như bà M không phải hiếm gặp. Ngày nay, với áp lực kinh tế, sự bận rộn công việc, lắm khi cả lối sống ích kỷ của con cháu, đang khiến người già càng lẻ loi, yếu thế hơn trong thế giới của mình.

Không những vậy, người già còn là đối tượng dễ bị tổn thương. Thời gian qua, những câu chuyện con cháu đánh đập, ngược đãi người già xảy ra không ít. Một lần nữa phản ánh những rủi ro với người cao tuổi. Nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới tiến hành về người 60 tuổi trở lên ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Trị cho thấy, 3% số NCT được hỏi cho biết có bị con cái đánh; 8,3% bị dọa nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Nhóm người già ở cả ba nhóm 60 - 69 tuổi, 70 - 79 tuổi và 80 tuổi trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau.

Để người cao tuổi bớt nỗi cô đơn

Ngày nay, gia đình Việt đang biến đổi thích ứng với xã hội công nghiệp, kinh tế thị trường, đô thị hóa, di cư ngày càng mạnh mẽ. Mô hình gia đình tam tứ đại đồng đường như ngày xưa không còn nhiều. Để thích ứng với xã hội hiện nay, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho biết, phương án tốt nhất là bố mẹ ở riêng nhưng ở gần con cái đã trưởng thành. Điều này vừa giữ được sự độc lập, đôi khi là để cho con cái phát triển, vừa giữ được mối liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau. Mặt khác, nó cũng thích ứng với những điều kiện, sở thích mang tính cá nhân của mỗi người. Và quan trọng là dù chọn kiểu nào, con cái cũng cần có đạo hiếu với bố mẹ.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc thêm viện dưỡng lão, thêm nhiều dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người già, kể cả hỗ trợ pháp lý cần thiết... đó là việc cần làm khi tốc độ già hóa nhanh. Xu hướng đưa các cụ vào nhà dưỡng lão ở nước ta cũng sẽ ngày càng phát triển. Vấn đề là chúng ta phải đa dạng hóa nơi ở cho người cao tuổi thích hợp với 'mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh'. Chẳng hạn, cha mẹ có thể ở với con cái trong cùng một gia đình như xưa, cũng có thể ở trung tâm dưỡng lão vào ban ngày (sáng các cụ đến trung tâm, chiều về với gia đình), hoặc trung tâm chăm sóc người cao tuổi 24/24.

Thời gian qua, để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc chăm sóc phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, trong đó điển hình là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

'Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng khá phù hợp với văn hóa của người Việt. Không những ít tốn kém, dễ thực hiện mà mô hình này còn giúp phát huy nét đẹp văn hóa, xem trọng tình cảm gia đình, kính trọng và báo hiếu ông bà cha mẹ của người Việt', ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục Dân số) đánh giá.

Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng có hai hình thức: Chăm sóc hay phục vụ người cao tuổi tại nhà do nhân viên dịch vụ thực hiện và do tình nguyện viên thực hiện. Với mô hình này, các thành viên trong gia đình được hỗ trợ tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe cho NCT trong nhà và đặc biệt với hình thức thứ hai thì các tình nguyện viên nhận chăm sóc hỗ trợ tại nhà hoàn toàn tự nguyện không hưởng lương mang đến nhiều hiệu quả tích cực cho mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình và cộng đồng này. Sự hỗ trợ đến từ các tình nguyện viên mang đến niềm vui, tinh thần vui vẻ lạc quan hơn cho các cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh neo đơn kinh tế khó khăn, gia đình ít người.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!