Bệnh tiêu hóa lây nhiễm qua tiếp xúc ở trẻ em

Cần biết - 05/09/2024

Bệnh tiêu chảy có thể lây truyền từ người này sang người khác đặc biệt hay gặp là ở trẻ chưa biết giữ vệ sinh đúng cách.

Theo thông tin báo chí gần đây, trường tiểu học Nguyễn Khuyến, trên địa bàn quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trẻ phải nghỉ học với các triệu chứng biểu hiện của đường tiêu hóa như sốt, nôn, tiêu chảy… nghi do lây nhiễm qua tiếp xúc. Hay sự kiện mới đây về hàng loạt học sinh tại trường THCS Nguyễn Gia Thiều, thành phố Vũng Tàu bị ngộ độc thực phẩm căn nguyên do tụ cầu vàng.

Bài viết sau nhằm cung cấp một số kiến thức y học thường thức về vấn đề này cũng như một số biện pháp phòng tránh trong cộng đồng, tại những nơi tập trung đông người như trường học, nhà ga, bến tàu, bến xe, các khu vui chơi công cộng.

Bệnh tiêu hóa lây nhiễm qua tiếp xúc ở trẻ em

Mầm bệnh:

Con người có thể bị nhiễm mầm bệnh gây tiêu chảy, các nguyên nhân có thể là do vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, thường gặp là do vi-rút như Rotavirus hoặc Neurovirus...

Đường lây truyền mầm bệnh phổ biến:

- Do ăn thực phẩm hoặc uống đồ uống bị ô nhiễm mầm bệnh trong tất cả các khâu như cung cấp, vận chuyển và xử lý, chế biến thức ăn.

- Do dùng tay tiếp xúc với bề mặt của đồ vật bị ô nhiễm mầm bệnh sau đó sau đó chạm vào của miệng, mũi... Tại các trường học thì những vật dụng chung như tay nắm cửa nhà vệ sinh, bệ nắp bồn cầu chính là những nơi có khả năng và nguy cơ ô nhiễm mầm bệnh rất cao.

- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, cốc uống nước và bàn chải đánh răng.

- Có tiếp xúc với chất nôn của người bệnh, bắt tay với người bệnh sau đó không rửa tay hay chia sẻ đồ ăn từ đồ dùng bị ô nhiễm mầm bệnh.

- Không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, không rửa tay sau khi thay tã cho em bé, không rửa tay sau khi chăm sóc người bệnh hoặc không rửa tay trước khi chế biến các món ăn.

Các biện pháp kiểm soát và phòng chống lây truyền bệnh:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm. Nếu bạn phải đi công tác, đi du lịch thì việc chuẩn bị sẵn cồn và dung dịch rửa tay có bán sẵn ở các nhà thuốc là một lựa chọn thay thế hữu ích phòng khi không có xà phòng và nước để rửa tay.

Bệnh tiêu hóa lây nhiễm qua tiếp xúc ở trẻ em

- Duy trì một môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau sạch sẽ tay nắm cửa và vệ sinh bồn cầu, trong những đợt có dịch bệnh bùng phát thì tay nắm cửa nhà vệ sinh và bồn cầu cần được rửa sạch bằng hóa chất khử trùng ít nhất 3-4 lần/ngày.

- Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng hoặc khăn với bất cứ ai khác.

Chăm sóc người bệnh bị tiêu chảy:

- Cách ly người bệnh riêng biệt cho tới 24 giờ sau khi các triệu chứng tiêu chảy và ói mửa kết thúc. Đối với trẻ em bị bệnh, cách ly với trẻ khác, không đến trường học cho đến 24 giờ sau khi hết các triệu chứng. Tại phòng bệnh, buồng bệnh, khu vực cách ly phải được vệ sinh khử trùng đúng cách và có người theo dõi, chăm sóc.

- Xử lí chất nôn: Với người bệnh bị nôn cần chú ý nhanh chóng loại bỏ chất nôn và làm sạch chất nôn bám trên bề mặt như quần áo, dụng cụ vì chất nôn có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn hoặc vi-rút. Chú ý trong khi vệ sinh phải găng tay dùng một lần, mang khẩu trang, lau sạch bề mặt các vật liệu bằng khăn giấy và vứt bỏ khăn được sử dụng trong một túi nhựa đựng rác. Rửa sạch bề mặt nhiễm bẩn với nước. Bỏ găng tay vào túi nhựa sau khi tháo găng và rửa sạch tay với nước ấm và xà phòng ngay sau đó.

- Tại trường học hay các nơi công cộng tập trung đông người phải được cung cấp đủ nước sạch, xà phòng rửa tay, khăn giấy và thùng rác. Có các biển báo hoặc tín hiệu để nhắc nhở mọi người rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh. 

- Thực hành vệ sinh tốt trong quá trình chuẩn bị thức ăn. Mang găng tay dùng một lần khi chế biến thức ăn. Người xử lý, chế biến thực phẩm phải thay đổi găng tay bất cứ khi nào chạm vào các bề mặt bị nhiễm bẩn.

- Đảm bảo nghiêm các quy trình về an toàn và vệ sinh thực phẩm, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo trong quá trình phục vụ.

>> Xem thêm: 145 trẻ nghỉ học vì bệnh tiêu hóa lây qua tiếp xúc?

Hội chứng rối loạn tiêu hoá

ThS. BS. Nguyễn Kiên Cường

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!