Câu hỏi:Con cháu năm nay 5 tuổi. Hai tháng trước tự nhiên các đầu ngón tay bị bong da hết lớp này đến lớp khác sau đó thì cả lòng bàn tay đều bị. Cháu đã cho bé đi khám thì được nác sĩ chuẩn đoán là viêm da cơ địa và cho thuốc uống và bôi. Uống thuốc bé khỏi bệnh nhưng hết thuốc của bác sĩ một tuần cháu lại bị bong da tiếp. Bác sĩ cho cháu biết con cháu phải chữa như nào, chẳng nhẽ phải uống liên tục thuốc và bệnh này không khỏi hẳn được.
Trả lời:BS. Nguyễn Văn An-Chuyên khoa Nội-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cho biết:
Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Liken đơn dạng mạn tính…. Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý 'Ngứa-Gãi' làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng.
Viêm da cơ địa là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn được, chúng ta chỉ có thể điều trị các đợt cấp và hạn chế sự tái phát bệnh bằng cách: tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Đồng thời cho các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng. Bố mẹ không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ, bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!