Béo phì: Nguyên nhân và các ứng phó

Sống khỏe mạnh - 03/28/2024

Béo phì là tình trạng quá nhiều mỡ tích trữ trong cơ thể dẫn tới tình trạng lượng mỡ lớn hơn lượng cơ-xương. Mỡ này là hậu quả của tình trạng dư thừa dinh dưỡng gây ra.

Mỡ sẽ tích trữ ở mọi nơi trong cơ thể (dưới da, các khoang, ổ trong cơ thể đến các cơ quan nội tạng, kể cả mạch máu)... và gây ra nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ.

Có nhiều tiêu chuẩn để xác định béo phì, nhưng có một tiêu chuẩn phổ thông nhất và được nhiều người công nhận nhất, đó là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định béo phì của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, một người được xác định béo phì khi họ có chỉ số BMI ≥ 30 (kg/m2).

Chỉ số BMI được tính theo công thức: khối lượng cơ thể tính bằng kg/bình phương chiều cao cơ thể tính bằng m.

Ngoài sử dụng chỉ số BMI, một số quốc gia và bác sỹ lâm sàng sử dụng một vài chỉ số khác để chẩn đoán béo phì. Có thể kể ra đây như sau:

Tỷ lệ lượng mỡ toàn cơ thể, theo chỉ số này, nếu một người nam giới có tỷ lệ lượng mỡ toàn cơ thể ≥ 25% đối với nam và ≥ 33% đối với nữ thì được gọi là béo phì, nhưng việc tính ra chính xác lượng mỡ toàn cơ thể cũng không đơn giản.

Số đo vòng eo, theo chỉ số này nếu một người nam giới có số đo vòng eo ngang qua rốn từ 102cm trở lên với nam và 88cm trở lên với nữ thì người đó có nguy cơ cao bị béo phì hoặc là có nguy cơ cao mắc bệnh tật do béo phì gây ra.

Chiều dày lớp mỡ dưới da, theo đó nếu lớp mỡ dưới da càng dày thì người đó càng có nguy cơ béo phì.

Một bệnh phổ biến

Ban đầu, béo phì xuất hiện nhiều ở các nước châu Âu bởi đó là một châu lục giàu có và thịnh vượng. Người ta thấy, vào thế kỷ thứ XIX, xuất hiện một bức tranh với hai mảng màu đối lập hoàn toàn: một bên là tầng lớp quý tộc với phổ người béo chiếm ưu thế với dạng chữ A, chữ O, tức là to bụng hoặc to mông, còn một bên là tầng lớp nô lệ, bần cùng với người hình gậy, hình que.

Người ta những tưởng béo phì chỉ là một khái niệm và một hội chứng dinh dưỡng xuất hiện lốm đốm. Nhưng sau này, béo phì xuất hiện ngày càng nhiều và có mặt ở khắp toàn cầu. Nó không còn là đặc sản của các nước châu Âu và phương Tây.

Béo phì: Nguyên nhân và các ứng phó

Béo phì gia tăng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Bản đồ nhận dạng béo phì đã có mặt ở hầu hết các quốc gia. Và các con số thì cứ ngày một tăng lên.

Theo báo cáo thống kê gần đây nhất cho thấy, nếu lấy mốc năm 1980 để tính, toàn thế giới có khoảng 857 triệu người bị thừa cân béo phì, đến năm 2013 (cách đây 3 năm), con số này đã tăng vọt lên 2,1 tỉ người, gần hơn 1/3 dân số toàn thế giới.

Các quốc gia điểm mặt béo phì có khoảng 180 nước trong số 220 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới. Một số quốc gia điển hình như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Braxin, Mexico, Hy Lạp, Đức, Pakistan, Indonesia. Nhóm quốc gia này đã dâng hiến cho con số tăng vọt trên 50% thị phần người thừa cân và béo phì.

Tổng số 50% còn lại sống ở các quốc gia còn lại trên thế giới. Chỉ riêng Hoa Kỳ (quốc gia có vẻ đứng đầu về mọi khía cạnh), số lượng người thừa cân và béo phì đã chiếm 13%. Hai quốc gia khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ cùng dắt tay nhau cộng vào được tròn 15% người thừa cân và béo phì trên toàn thế giới.

Béo phì vẫn được coi là vấn nạn của các nước giàu và các nước phát triển. Song có lẽ y học can thiệp đã đến độ phát triển nên họ đã khống chế béo phì tốt hơn.

Và điều khiến cả thế giới ngạc nhiên, hiện nay béo phì lại là vấn đề của các nước nghèo và các nước đang phát triển. Có tới 62% người thừa cân và béo phì sống ở các nước đang phát triển đã chứng minh trục béo phì bị xoay đảo ngược.

Đó là chuyện của thế giới, trở lại trong nước, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ với vấn nạn này của y học. Có lẽ, hình ảnh béo phì của Việt Nam đang gần tương tự như hình ảnh béo phì của châu Âu thế kỷ trước nữa. Theo đó có một tỷ lệ dân cư thì thừa thãi dinh dưỡng tới mức béo phì và một tỷ lệ khác thì vẫn còn dinh dưỡng nghèo nàn.

Bên cạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng còn nhiều vấn đề phải xem xét, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam cũng chiếm tới 25% dân số trên toàn lãnh thổ hình chữ S (con số Cục Y tế Dự phòng công bố năm 2014). Với tỷ lệ 25%, các cơ quan đảm trách y tế sẽ còn nhiều việc phải làm để có được một cơ cấu dân số khỏe mạnh.

Nguyên nhân béo phì

Nguyên nhân cơ bản nhất đó là tình trạng thừa thãi dinh dưỡng và sử dụng dinh dưỡng không hợp lý. Dinh dưỡng, theo quan niệm hàng ngày, đó là thức ăn đưa vào.

Nếu bạn ăn quá nhiều thức ăn, quá nhiều thực phẩm, bạn sẽ bị béo vì nó sẽ được tích tụ lại nếu bạn không sử dụng hết. Điều này được củng cố khi béo phì đa phần xuất hiện ở những nhà giàu và nơi thành thị.

Dinh dưỡng, theo quan niệm khoa học, là giá trị năng lượng của bữa ăn mà nó đem lại. Giá trị này được tính theo đơn vị năng lượng là kcal. Một ngày, một người Việt chỉ cần ăn trung bình khoảng 1800 - 2000 kcal. Nếu bạn ăn mỗi ngày thừa ra chừng 200 kcal thì phần thừa này sẽ tích tụ thành mỡ và sẽ béo. Ví dụ, chỉ cần ăn thừa chừng 100 gam thịt gà bạn đã tích đủ 200 kcal thừa thãi.

Nguyên nhân thứ hai, người ta thường hay nhắc tới đó là tình trạng quá tĩnh tại. Tĩnh tại tới mức, cơ thể bạn không cần sử dụng năng lượng nhiều và con số năng lượng gần chạm tới mức thấp nhất, mức giá trị cơ sở của sự sống. Khi đó, mặc dù bạn ăn không nhiều nhưng vẫn thừa cân, béo phì bởi bạn vẫn bị thừa nhu cầu so với bản thân bạn.

Lấy ví dụ, một người lao động văn phòng sẽ cần khoảng 2000 kcal để đủ làm việc. Nhưng nếu một người khác ăn vẫn 2000 kcal, một mức ăn trung bình và không nhiều, nhưng do anh ta quá tĩnh tại, chỉ tiêu hao hết 1700 kcal trong ngày, vô tình, ăn không nhiều mà vẫn thừa 300 kcal. Mỗi ngày tích tụ 300 kcal và dần dần thành đám mỡ.

Nguyên nhân thứ ba, người ta cho rằng gen chịu trách nhiệm. Điều này lý giải tại sao có một số người đa phần ăn mì tôm (một loại thức ăn vẫn được coi là nghèo dinh dưỡng) nhưng vẫn béo lên trông thấy.

Đó là bởi chính gen của họ. Gen của họ quyết định tới số lượng và thành phần men tiêu hóa. Gen đã quyết định tới khả năng hấp thu và khả năng chuyển hóa. Những người chỉ ăn hết sức đơn giản mà vẫn béo có thể là do bộ máy tiêu hóa quá hoàn hảo, ăn vào nhưng hấp thu gần hết và con đường chuyển hóa đa phần hướng mỡ.

Cho nên, dù ăn hết sức đơn giản nhưng họ vẫn trông giống như cỗ xe lu. Đây là điều làm cho họ bối rối. Người ta tìm thấy khoảng 56 gen khác nhau chịu trách nhiệm gây ra tình trạng này. Điển hình như gen: ACE, ADIPOQ, ADRB2, GNB3, LEP, LIPE, MC4R, PLIN, RETN, UCP1.

Gen là một nguyên nhân không thể thay đổi được, nhưng hai nguyên nhân còn lại, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Chỉ cần bạn ăn bớt đi và hoạt động nhiều lên, bạn sẽ kiểm soát được béo phì.

Các xét nghiệm bổ trợ

Chẩn đoán chính xác béo phì là điều không khó, chỉ cần tính BMI là bạn đã tự có thể biết mình thừa cân hay béo phì. Việc xét nghiệm không phải để khẳng định lại chẩn đoán mà là để tiên lượng và xác định nguy cơ bệnh tật tới đâu. Bởi béo phì liên quan tới nhiều loại bệnh khác nhau như làm xuất hiện bệnh mới, tăng nặng hoặc có chiều hướng phức tạp hóa quá trình điều trị.

Một số xét nghiệm sau được coi là cần thiết: sinh hóa máu (xét nghiệm tình trạng mỡ máu), xét nghiệm nước tiểu (tình trạng tổn thương vi mạch máu thận), đường máu (tình trạng đái tháo đường), điện tim (tình trạng tổn thương tim), siêu âm gan, sinh hóa gan (đánh giá chức năng gan), homron tuyến giáp (xác định sự tăng chuyển hóa), đo bề dày lớp mỡ dưới da, đo độ hấp thụ sóng radio 2 năng lượng, phân tích điện trở sinh học, siêu âm da...

Can thiệp béo phì như thế nào?

Cho đến nay, chúng ta có 3 nhóm biện pháp cơ bản để điều trị thừa cân, béo phì: dinh dưỡng, nội khoa và ngoại khoa.

Biện pháp dinh dưỡng: Là nhóm biện pháp tìm ra chế độ dinh dưỡng tối ưu để họ giảm cân và tiến tới duy trì mức cân nặng bình thường. Thực ra nguyên tắc của biện pháp này không có gì cao siêu. Nó chỉ tính toán để giảm giá trị năng lượng đưa vào, giảm thức ăn có nhiều chất béo (gọi là thức ăn cao năng).

Khi làm được điều này, điều trị sẽ thành công. Cái khó ở đây là tính toán độ giảm năng lượng là bao nhiêu kcal, vì giảm ít thì không có giá trị điều trị, giảm nhiều quá thì mệt không làm được việc và sẽ bị ăn bù vào lúc khác, hóa béo hơn.

Biện pháp điều trị nội khoa: Là nhóm biện pháp dùng thuốc. Dùng thuốc để chữa béo phì đã đạt được nhiều bước tiến khá tiến bộ. Trên nguyên tắc, béo là do thừa mỡ, uống thuốc vào, lẽ ra phải đánh vào phần mỡ này, nhưng hiện nay chưa có thuốc nào làm được.

Các thuốc mới chỉ tác động vào khâu làm giảm ăn, chán ăn, chê ăn để cơ thể tự “bóc tách” phần mỡ trong cơ thể tự mình làm gầy đi và cần thời gian nên số ngày uống thuốc không hề ngắn. Các thuốc đa phần tác động vào trung tâm thèm ăn ở trên não bộ và tác động vào đường ruột để cản trở sự hấp thu.

Một số thuốc điển hình bao gồm: orlistat, lorcaserin, liraglutide, topiramat, thuốc ức chế neuropeptid YY...

Biện pháp ngoại khoa: Là các biện pháp phẫu thuật để chữa béo. Phẫu thuật ở đây không phải là cắt bỏ lớp mỡ béo đi mà phẫu thuật để thay đổi khả năng của cơ quan tiêu hóa. Từ đó làm cơ thể tự nghèo dinh dưỡng và buộc phải tự tiêu lấy phần mỡ béo mà sử dụng. Vì thế, không phải trước khi bước vào phòng mổ bạn béo sồ sề nhưng sau 2 tiếng phẫu thuật, bạn bước ra với thân hình thon mảnh và gầy guộc.

Phẫu thuật chữa béo không tác động trực diện vào phần mỡ béo, do vậy, để trả về trạng thái cơ thể như bình thường cũng phải mất một thời gian sau đó. Có một số biện pháp phẫu thuật sau: bắc cầu dạ dày hình chữ Y, chít hẹp dạ dày, cắt bán phần dạ dày, bắc cầu nối tá tụy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!