Việc nhiều người mua thuốc Tamiflu về dùng và tích trữ đã khiến giá thuốc bị đẩy lên cao gấp nhiều lần. Hiện tại thuốc Tamiflu có giá 1,6- 3,2 triệu đồng/ vỉ 10 viên thay vì giá bình thường trước đó là 400.000 đồng/vỉ 10 viên.
Điều đang nói là với hành động mua tích trữ loại thuốc này rất nhiều người đã hiểu sai, hiểu không đúng về công dụng thực của nó. Bởi từ lâu FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) đã kết luận rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Tamiflu có tác dụng giảm các biến chứng của cúm, giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong; FDA cũng ngăn cản nhà sản xuất đưa ra những tuyên bố như vậy trong quảng cáo Tamiflu.
Bị cúm lệ thuộc vào thuốc Tamiflu người bệnh có thể gặp họa.
Năm 2017, WHO đã điều chỉnh đưa Tamiflu ra khỏi danh mục thuốc thiết yếu, đến nay WHO khuyến cáo Tamiflu chỉ là 'thuốc bổ sung' điều trị cúm.
Để giúp mọi người có thể hiểu rõ về công dụng thực của loại thuốc này BS. Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Xanh Pôn) đã phân tích khá kỹ về loại thuốc Tamiflu đang được nhiều người khuếch trương về công dụng của nó.
BS Phúc kể lại câu chuyện, đầu năm 2009, do đại dịch cúm, chính phủ của tất cả các quốc gia đã chi một khoản tiền lớn để mua Tamiflu về dự trữ trong kho. Tốn quá nhiều tiền, các quan chức Anh và Úc chờ đợi các tổ chức y tế dựa trên bằng chứng có thẩm quyền quốc tế đánh giá lại các đặc tính dược phẩm của Tamiflu, nếu thực sự là 'thần dược' thì đắt mấy cũng phải mua.
Cochrane là một tổ chức phi lợi nhuận với 13.000 thành viên đã tập hợp tất cả các kết quả nghiên cứu đã công bố để phân tích tổng hợp lại, tạo thành một báo cáo đánh giá đầy đủ, liên tục cập nhật kết quả nghiên cứu khi có bằng chứng mới xuất hiện.
Theo đó, đối với Tamiflu, ban đầu, Cochrane kết luận rằng thuốc này có thể làm giảm tỷ lệ biến chứng cúm như viêm phổi, dựa trên phân tích tổng hợp 10 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát do Roche thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 10 thử nghiệm được xem xét rõ ràng, còn lại 8 thử nghiệm không được công bố.
BS Trần Văn Phúc đưa ra những minh chứng thuốc Tamiflu không phải là thần dược. Ảnh Tú Anh
Giáo sư Tom Jefferson, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford, đã liên hệ với tác giả của các nghiên cứu, đề nghị được tiếp cận cơ sở dữ liệu của Roche và yêu cầu công khai dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, Roche từ chối công bố báo cáo nghiên cứu đầy đủ vì nhiều lý do.
Năm 2013, Cochrane nhận được 107 báo cáo nghiên cứu lâm sàng từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, GlaxoSmithKline và Roche, đồng thời đánh giá các đánh giá thuốc do FDA, EMA và các cơ quan quản lý Nhật Bản thực hiện. Nhóm nghiên cứu bao gồm 47 báo cáo trong phân tích chính thức, 20 báo cáo về Oseltamivir Phosphate (9623 người tham gia) và 26 nghiên cứu về Zanamivir (14628 người tham gia).
Vào ngày 10 tháng 4 năm 2014, Cochrane đã công bố báo cáo phân tích tổng hợp của mình trên Tạp chí Y học Anh. Kết quả cho thấy trong điều trị cúm nhẹ, Oseltamivir có thể giảm các triệu chứng cúm ở người trưởng thành trong 16,8 giờ (từ 7 ngày xuống còn 6,3 ngày), đối với trẻ bị cúm, thời gian này là 29 giờ, nhưng nó không có tác dụng đáng kể đối với trẻ bị hen suyễn.
Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu là Tamiflu có tác dụng không đáng kể trong việc cải thiện tỷ lệ nhập viện và nó cũng thiếu bằng chứng mạnh mẽ để giảm các biến chứng cúm như viêm phổi và giảm cúm không triệu chứng và giảm sự lây lan của virus cúm. Hiệu quả của Tamiflu là không rõ ràng. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết việc sử dụng Tamiflu cũng làm tăng nguy cơ buồn nôn và nôn khi điều trị, với người lớn và trẻ em làm tăng nguy cơ tương ứng khoảng 4% và 5%.
Dựa trên những phân tích tổng hợp này, năm 2017, WHO đã điều chỉnh đưa Tamiflu ra khỏi danh mục thuốc thiết yếu, đến nay WHO khuyến cáo Tamiflu chỉ là 'thuốc bổ sung' điều trị cúm. Không phải thần dược, giá 1.6 – 3.2 triệu là quá đắt, WHO đưa vào danh mục thuốc thiết yếu rồi lại nhấc ra thành 'thuốc hỗ trợ' điều trị cúm, xu hướng người bệnh đang bắt đầu từ chối dùng thuốc này.
Vì vậy, khi bị cúm lệ thuộc vào thuốc Tamiflu, người bệnh có thể gặp họa bởi Tamiflu không phải là thần dược trị cúm.
Cúm có thể truyền từ người này qua người khác, từ những giọt nước bọt khi ho, hay hắt hơi, lan truyền hàng triệu con virus cúm để lây cho người khác. Vì vậy, người bị cúm nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
Khi bị virus cúm xâm nhập, cơ thể ủ bệnh 3-7 ngày thì bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Các biểu hiện lâm sàng là sốt cao, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, xổ mũi, nghẹt thở, ho. Nếu sốt giảm nhanh thì bệnh ít lây truyền hơn so với sốt kéo dài.
Thời gian cách li (đeo khẩu trang, tránh ăn chung, hạn chế tiếp xúc gần) để tránh lây truyền là khoảng 1 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Bệnh cúm thường kéo dài 2 tuần thì khỏi hẳn. Tuy nhiên, một số trường hợp xảy ra biến chứng nghiêm trọng, như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hoặc bội nhiễm vi khuẩn; biến chứng nặng có thể gây tử vong. Virus cúm có 3 loại: A, B và C. Chủ yếu cúm A gây bệnh nặng và có biến chứng. Cúm B nhẹ hơn và biến chứng ít hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!