Đây là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh khác nhau trong đó có bệnh Parkinson. Nếu chủ quan không điều trị sớm thì bệnh rất dễ chuyển nặng gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày và tác động tiêu cực lên tâm lý người bệnh.
Cần phát hiện sớm từ những dấu hiệu ban đầu
Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh và tiến triển từ từ, nặng dần theo thời gian. Giai đoạn đầu, các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo. Người bệnh mệt mỏi, có cảm giác cứng lưng, cổ, vai, háng. Cột sống và các chi có xu hướng gấp, kém mềm mại, các động tác bị chậm lại. Khi đi, cánh tay ít hoặc không đung đưa theo nhịp bước. Dần dần, bước đi ngắn lại. Tần số chớp mắt cũng giảm đi. Khe mi có vẻ rộng ra tạo cảm giác người bệnh luôn nhìn “chăm chú”. Nếu gõ vào gốc mũi, người bệnh mất khả năng ức chế nháy mắt gây hiện tượng rung giật mi mắt. Khi bệnh biểu hiện rõ có các triệu chứng sau:
Run khi nghỉ, xuất hiện khi các cơ ở trạng thái nghỉ. Dấu hiệu này biến mất khi vận động, khi ngủ. Run tăng lên khi xúc động, tập trung. Run của bệnh Parkinson có đặc điểm đều đặn, 4 chu kỳ/giây. Run thường xuất hiện ở các ngón tay, gây ra động tác như “vê thuốc lào hoặc đếm tiền”. Run có thể gặp ở chi dưới, miệng hoặc vùng đầu.
Giảm động là triệu chứng cơ bản và xuất hiện sớm ở bệnh nhân Parkinson. Các động tác khởi đầu chậm chạp. Tốc độ thực hiện các động tác chậm (bradykinesia) và giảm biên độ của các động tác (hypokinesia) làm động tác trở nên nghèo nàn. Hiện tượng bất động thấy rõ ở chi trên. Giảm động có thể gặp ở các loại hình vận động: dáng đi, nét mặt, lời nói.
Tăng trương lực cơ ngoại tháp gây ra hiện tượng “cứng kiểu ống chì hay uốn sáp”. Khi vận động thụ động, dấu hiệu cứng thường kèm dấu hiệu “bánh xe răng cưa”: khi làm động tác duỗi, thầy thuốc cảm nhận hiện tượng duỗi xảy ra từng nấc chứ không liên tục.
Tư thế gấp do tăng phản xạ tư thế quá mức là hiện tượng tăng trương lực cơ thuộc nhóm cơ gấp chiếm ưu thế tạo nên dáng người hơi gấp về phía trước. Lúc đầu gấp ở khuỷu tay. Giai đoạn sau, đầu và thân chúi ra trước, chi trên gấp và khép, chi dưới gấp ít hơn. Phản xạ điều chỉnh tư thế giảm nên bệnh nhân dễ bị ngã “như cây chuối đổ” khi bị đẩy nhẹ từ trước ra sau. Ở giai đoạn muộn, có dấu hiệu “đông cứng”. Mỗi lần bắt đầu ngồi dậy, hoặc đi, người bệnh rất khó cử động.
Hiện tượng này có thể xuất hiện trong tất cả các hoạt động trong ngày như nói, viết làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Ngã là hậu quả của sự rối loạn thăng bằng và điều phối các cơ trục thân thể, rối loạn phản xạ tư thế. Hậu quả của ngã có thể làm gãy xương khiến bệnh nhân liệt giường.
Các biện pháp phục hồi chức năng cần được thực hiện song hành với điều trị thuốc để khắc phục những tàn tật do bệnh Parkinson.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính, do đó, bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tiến triển của bệnh và điều quan trọng bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.
Điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Giai đoạn đầu, được gọi là “thời kỳ trăng mật” (thường 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh), dùng thuốc khá hiệu quả. Những giai đoạn sau, đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do việc sử dụng thuốc. Nguyên tắc điều trị là một quá trình chăm sóc tinh tế, cần có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc và hợp tác chặt chẽ của người bệnh. Việc chọn thuốc không những phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng bệnh nhân mà còn phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Các phương pháp khác chỉ sử dụng khi điều trị nội khoa ít kết quả. Gồm có các phương pháp sau: Phẫu thuật, kích thích não ở sâu, xạ phẫu...
Các biện pháp phục hồi chức năng cần được thực hiện song hành với điều trị thuốc để khắc phục những tàn tật do bệnh gây nên. Bệnh nhân cần tập cử động chủ động có trợ giúp, tự do hay đề kháng theo điệu nhạc hay nhịp đếm để cố gắng tạo tính tự động cho cử động tự ý. Tập luyện tư thế tốt như ngồi trên ghế, bò, quỳ,... Tập luyện dáng đi với bước dài và tay đong đưa cầm bóng, bắt bóng, hoặc có thể nặn đất, xếp hình... để tập cử động khéo léo của bàn tay bằng hoạt động trị liệu. Lưu ý, trong mỗi buổi tập cần có thời gian nghỉ và cho người bệnh hít thở sâu. Người bệnh làm cử động chủ động theo nhịp đếm của kỹ thuật viên, nếu có thể tập theo nhạc càng tốt.
Lời khuyên cho bệnh nhân
Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần, ngoài các tác dụng phụ của các thuốc điều trị ở trên còn gặp các tai biến, biến chứng như: Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường ruột kém, bệnh nhân run nhiều mất năng lượng. Thiếu vitamin D nên dễ gây loãng xương do tình trạng ít vận động. Dễ bị ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương vì vậy nguy cơ gãy xương cao, nhất là gãy cổ xương đùi.
Do vậy, bệnh nhân năng đi lại, đi chậm, bước dài chân, tập thở sâu, tắm nắng... ăn tăng cường dinh dưỡng, các thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin, nhất là vitamin D. Có các biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp như giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng. Phòng và tránh ngã để hạn chế nguy cơ gãy xương...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!