Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Trần Lưu Quang họp trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều ngày 6-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức buổi giao ban trực tuyến về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.
Tại điểm cầu UBND TPHCM có đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.
Tăng cường xét nghiệm nhanh
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nỗ lực cùng quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và các quận - huyện. Điều này đã góp phần đảm bảo công tác chống dịch của thành phố đạt hiệu quả.
Theo đó, trong tuần qua, TPHCM thực hiện nhiều biện pháp rất có ý nghĩa, như ứng dụng công nghệ GIS để giám sát, kịp thời nhắc nhở khi có đám đông tụ tập. Cùng với đó là việc tăng cường xét nghiệm nhanh để sàng lọc các trường hợp có nguy cơ mắc dịch bệnh, với mức bình quân 3 ngày qua là 1.800 trường hợp/ngày. Ngoài ra, TPHCM còn thực hiện tốt việc rà soát, truy tìm những người có tiếp xúc với người mắc Covid-19, cần tiếp tục duy trì để loại trừ nguy cơ lây nhiễm.
Hoan nghênh các hoạt động quyên góp, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, những người bán vé số…, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn yêu cầu tiếp tục thực hiện và sớm triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng việc tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo các doanh nghiệp với các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh là rất cần thiết. Điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Nâng cao một bước, TPHCM đã ban hành bộ tiêu chí để lượng hóa mức độ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh ở các cơ sở sản xuất. Vì vậy, đồng chí yêu cầu, những địa phương nào đã ký kết với doanh nghiệp thì tổ chức đánh giá mức độ, nguy cơ lây nhiễm. Trong đó, lãnh đạo các quận - huyện phải rà soát việc chấm điểm, đánh giá. Nơi nào có nguy cơ cao thì yêu cầu thực hiện các giải pháp giảm thiểu mới được hoạt động.
Đối với những địa phương chưa ký cam kết thì đồng thời thực hiện ký kết và tổ chức đánh giá nguy cơ. Qua đó, cơ sở, đơn vị nào có nguy cơ cao thì phải thống nhất với địa phương về việc thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm. Giả sử tại Công ty Pouyuen có khoảng 70.000 người làm việc mà qua chấm điểm có nguy cơ lây nhiễm cao thì phải điều chỉnh, như giảm số lượng công nhân làm việc hoặc đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang thường xuyên.
'Tinh thần là TPHCM ủng hộ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng phải đảm bảo an toàn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương cần thực hiện trong tuần này. Các doanh nghiệp phải xây dựng bảng đánh giá rủi ro và duy trì ở mức chấp nhận được', đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Phòng dịch là hàng đầu
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin, TPHCM có khu vực cách ly tập trung với 12.600 chỗ và hiện còn trống 8.400 chỗ, cho thấy độ an toàn lớn. Trong khi đó, tốc độ lây lan hiện đang được kiểm soát tốt, số người từ nước ngoài về TPHCM giảm nên đồng chí lưu ý về thời điểm tiếp tục mở rộng năng lực cách ly thêm 12.000 chỗ mới.
Về giường bệnh, toàn TPHCM có 2.300 giường sẵn sàng cho người mắc Covid-19. Song, hiện nay chỉ 5% số giường đang được sử dụng và còn 95% giường chưa cần sử dụng đến.
Trong khi đó, qua theo dõi thì các bệnh viện ở nhiều nước châu Âu, Mỹ đã bị quá tải, do số người mắc Covid-19 cần điều trị rất lớn. 'Kết quả này cho thấy sự chủ động của chúng ta trong thời gian qua', đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Thông tin thêm về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đồng chí cho biết, hiện nay đã có hơn 1,2 triệu người mắc Covid-19. Đến cuối tháng 4-2020 con số này có thể lên đến 5-7 triệu người.
Song, độ an toàn (về dịch bệnh - PV) của nước ta rất cao khi bình quân 1 triệu người dân có 2,4 người nhiễm.
Con số này ởNhật là 25 người, Brazil có 54 người, Mỹ hơn 700 người, Pháp là 900 người, Đức là 1.000 người và Tây Ban Nha là 2.400 người.
Nguy cơ lây nhiễm ở nước ta rất thấp là nhờ việc ngăn chặn sớm, ngay từ đầu. 'Đấy chính là thông điệp. Chúng ta giữ được hiện nay, sẽ giữ được tương lai', đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh của cả nước, đồng chí chia sẻ, 25/63 tỉnh - thành có người mắc Covid-19. Số còn lại (chiếm hơn 60%) chưa có trường hợp mắc. Trong khi ở nhiều nước khác, 100% số tỉnh, 100% số bang đều nhiễm. Đây là kết quả hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh ở nước ta.
Về khả năng chịu đựng của hệ thống y tế, nước ta có 250 người mắc (90 người đã khỏi - PV) trong tổng số 3.500 giường sẵn sàng điều trị. Như vậy, số giường chiếm dụng chỉ khoảng 5% và 95% giường chưa dùng đến.
'Chúng ta tin rằng nếu tiếp tục làm như vừa qua và phòng dịch làm hàng đầu, rà soát kỹ những người có nguy cơ lây lan, hạn chế xâm nhập từ bên ngoài, đeo khẩu trang cho tốt, rửa tay thường xuyên, giữ được khoảng cách thì chắc chắn chúng ta duy trì được kết quả này', đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.
Song, đồng chí cũng cho rằng, khó khăn vẫn còn bởi hiện nay trên thế giới chưa biết sẽ kết thúc dịch bệnh này như thế nào? Vào lúc nào?. Trong khi chưa có vaccine điều trị thì giả sử có nước không còn ca nào nhưng các nước xung quanh vẫn có dịch thì nguy cơ vẫn tồn tại. Điều này đặt ra suy nghĩ về việc sẽ chuyển trạng thái xã hội không có dịch nhưng vẫn có nguy cơ virus. Như vậy phải phải suy nghĩ có nên đeo khẩu trang thường xuyên không?
'Khi đó chúng ta giao thương, làm ăn, mở cửa như thế nào để vừa vực dậy đời sống, sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cũng là chuyện phải tính toán', Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Bí thư Thành ủy TPHCM ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cùng các quận - huyện, sở - ngành, các lực lượng tình nguyện viện, sinh viên, cán bộ y tế đã nghỉ hưu trong thời gian qua.
Đồng chí cũng cám ơn các doanh nghiệp, người dân đã quyên góp tạo lên nguồn lực chăm lo cho người nghèo, người khó khăn, góp phần cùng cả nước Việt Nam có thể nhất định thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!