Biến chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Biến chứng của nứt kẽ hậu môn rất dễ bị nhiễm trùng từ phân và gây nên ổ áp-xe, nguy hiểm nhất là gây ra rò hậu môn.

Nứt kẽ hậu môn có thể gặp ở người trẻ, trung niên, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh nếu không điều trị sớm sẽ để lại những hậu quả xấu.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh nứt kẽ hậu môn, nhưng thường gặp nhất là ở người thường có khối phân to, rắn, chắc, lúc đại tiện sẽ gây chấn thương ống hậu môn, đặc biệt là bệnh táo bón dài ngày. Ngoài ra, các bệnh lý viêm đại tràng, trực tràng, trĩ nội, đặc biệt có thể gặp bệnh Crohn là một trong các nguyên nhân có khả năng gây nứt kẽ hậu môn.

Bệnh Crohn có tên tiếng Anh là Inflammatory Bowel Disease (IBD), là một bệnh bị viêm đường ruột mà chủ yếu gây ra viêm màng của đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và ngay cả suy dinh dưỡng trầm trọng. Bệnh Crohn là nguyên nhân gây ra loét đường tiêu hóa không liên tục ở bất cứ nơi nào, từ miệng cho tới hậu môn. Và khi có viêm nhiễm, có thể gây nên bệnh nứt kẽ hậu môn, ví dụ, tiểu phẫu vùng hậu môn (cắt trĩ hay thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ, quang đông hồng ngoại).

Trường hợp nứt kẽ hậu môn ở vị trí giữa, trước ống hậu môn có thể xảy ra ở phụ nữ sau sinh theo đường tự nhiên qua âm đạo. Bởi vì, ở một số phụ nữ khi cuối của thai kỳ do tử cung to, chèn ép vào các tĩnh mạch hồi lưu vùng chậu và làm các đám rối tĩnh mạch trĩ to ra. 

Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ có khả năng gây nên nứt kẽ hậu môn như trẻ em (có đến 80% trẻ em bị nứt hậu môn trong năm đầu tiên của cuộc đời, và hiện nay các chuyên gia cũng chưa hiểu tại sao), người cao tuổi (do tuần hoàn bị trì trệ khiến lưu lượng máu đến vùng trực tràng giảm, hoặc do táo bón kéo dài với nhiều nguyên nhân khác nhau). Táo bón là một căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, gây nhiều biến chứng, trong đó có nứt kẽ hậu môn. Lý do khi bị táo bón, lúc đi đại tiện phải rặn nhiều, kèm theo phân rắn rất dễ gây nứt kẽ hậu môn.

Biến chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn

Ảnh minh họa

Thực chất của nứt kẽ hậu môn, đầu tiên là sự viêm nề của phần đầu dưới của vết nứt hình thành một tổn thương viêm nề được gọi là khối da thừa. Khối viêm nề đầu dưới của vết nứt sẽ được hình thành do nhiễm trùng làm phù nề hệ mạch máu (viêm nề và gây đau). Sau đó, khối viêm nề này sẽ xơ hóa và hình thành mảnh da thừa xơ hóa. Sau nhiều tháng, vết nứt không lành sẽ tạo ra vết loét sâu đến lớp cơ thắt trong, xơ hóa, kích thích gây co thắt của cơ thắt trong và biểu hiện các triệu chứng của bệnh.

Biến chứng của nứt kẽ hậu môn rất dễ bị nhiễm trùng từ phân và gây nên ổ áp-xe giữa hai cơ thắt hay áp-xe quanh hậu môn và nguy hiểm nhất là gây ra rò hậu môn, một bệnh khó khó điều trị bằng nội khoa và hay tái phát.

Triệu chứng

Nứt kẽ hậu môn cấp tính thường sẽ lành sau đợt điều trị nội khoa, nhưng đôi khi tổn thương không lành sẽ xuất hiện tổn thương thứ phát. Triệu chứng chính là đau hậu môn khi đi đại tiện và kéo dài một thời gian, sau đó dễ chịu hơn cho đến lần đi đại tiện kế tiếp. Thường bị đau nhói như vết cắt hoặc bị rách mỗi khi phân đi qua hậu môn, nhất là phân rắn. 

Nhiều trường hợp đau kiểu nóng rát và kéo dài nhiều giờ sau khi đi đại tiện xong. Chảy máu có thể có nhưng thường số lượng máu không nhiều, máu có màu đỏ nhạt. Có thể chảy dịch ở vết nứt kẽ hậu môn (thấy dịch dính vào quần lót). Triệu chứng ngứa hậu môn cũng thường gặp do sự kích thích của dịch tiết nứt kẽ hậu môn. Táo bón là triệu chứng thường thấy, đặc biệt ở người cao tuổi. Do bị kích thích nên hệ tiết niệu cũng có ảnh hưởng (bàng quang) gây nên triệu chứng đái buốt, đái rắt.

Nguyên tắc dự phòng và điều trị

Khi bị nứt kẽ hậu môn cần được khám cẩn thận để có chỉ định điều trị. Đầu tiên người bệnh thường được khuyên dùng thêm chất xơ, ăn nhiều rau, uống thêm nhiều nước, vận động cơ thể (chơi thể thao, cầu lông, đi bộ, bơi) thường xuyên để chống táo bón. Nếu đã bị táo bón dài ngày thì cần được uống thuốc chống táo bón (Duphalac, Forlax…), nhằm làm mềm phân và nhuận tràng. 

Ngoài ra còn có thể dùng một số thuốc thoa tại chỗ hoặc kem nhét hậu môn (cortaid), nhằm chống viêm, giảm bớt sự khó chịu, bôi trơn (nitroglycerine) để dễ đại tiện, giảm đau, làm giãn mạch và tăng cường lưu lượng máu đến, giúp mau lành vết nứt. Tuy nhiên, thuốc nitroglycerine có thể gây tác dụng không mong muốn như nhức đầu, hạ huyết áp và chóng mặt. Vì vậy, cần theo dõi huyết áp và thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Ngoài ra, nên dùng một số thuốc giảm đau, giãn cơ. Tuy vậy, người bệnh không được tự động mua thuốc để tự chữa trị mà phải có đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh. Nếu bệnh nứt kẽ hậu môn vẫn tiếp tục xuất hiện, không đỡ hoặc nặng thêm thì sẽ được bác sĩ khám bệnh tư vấn phẫu thuật.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!