Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Nhâm - Chủ tịch hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết: ‘Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao nhất thế giới với 50% dân số mắc bệnh’.
Chính vì vậy, khi xuất hiện đại tiện ra máu kèm theo đau rát hậu môn thì họ vẫn thường nghĩ rằng mình đang mắc bệnh trĩ bởi đây là dấu hiệu thường thấy nhất đối với người mắc trĩ.
Tuy nhiên, đại tiện ra máu không chỉ dừng lại đơn giản là biểu hiện của bệnh trĩ. Theo thống kê có hơn 90% trường hợp đại tiện ra máu là triệu chứng khởi phát của các bệnh về hậu môn trực tràng.
Đặc biệt những năm gần đây, tỉ lệ những người mắc bệnh ung thư trực tràng ngày càng cao nên triệu chứng đại tiện ra máu cần phải được chú ý.
50% dân số Việt Nam mắc bệnh trĩ
Theo BS Nguyễn Văn An, Chuyên khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, cho biết:
'Có một số nguyên nhân thường gây đau rát hậu môn và đại tiện ra máu như:
1. Nứt hậu môn
Khi người bệnh đi cầu táo bón, phân cứng to hơn bình thường có thể gây nên vết rách ở niêm mạc ống hậu môn. Biểu hiện bằng việc đi cầu có cảm giác đau rát và có thể có máu dính phân. Thông thường các vết rách cấp tính này có thể tự lành sau vài ngày. Trong 1 số trường hợp nguyên nhân vẫn còn lặp lại thì vết nứt cấp tính này trở thành mãn tính biểu hiện thành vết loét. Vết loét mãn tính sẽ gây cho bệnh nhân đau hậu môn kéo dài và ái ngại đi cầu.
Điều trị nứt hậu môn:
- Thay đổi lối sống để tránh táo bón như: uống nước nhiều trong ngày (2,5 lít/ngày), ăn nhiều rau trái cây, tập thể dục đều đặn, đi cầu đúng giờ, tránh rặn khi đi cầu.
- Ngồi ngâm nước ấm (37 độ C) pha muối loãng (như nước biển), 10 phút/ lần, 3 lần/ngày sau khi đi vệ sinh.
- Dùng thuốc theo đơn.
90% vết nứt cấp tính tự lành sau khoảng 1 tuần với các biện pháp trên. Những trường hợp thất bại hay đau kéo dài cần phải được phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật sẽ cắt 1 phần cơ vòng trong nhằm giảm áp cơ vòng giúp giảm đau và tăng lượng máu nuôi đến hậu môn giúp lành vết thương.
Đại tiện ra máu ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh
2. Áp-xe và dò cạnh hậu môn
Áp-xe là một nhiễm trùng tụ mủ cạnh hậu môn. Đây là bệnh cấp tính hay gặp do viêm tắc nghẽn tuyến tiết nhày ở hậu môn. Diễn tiến của ổ áp-xe này là lan tỏa vùng mông có thể vỡ ra ngoài da hình thành nên đường dò cạnh hậu môn. Biểu hiện của ổ áp xe là đau vùng hậu môn, sốt cao, sờ thấy có 1 khối sưng phồng đỏ nằm cạnh hậu môn. Ở trong trường hợp dò cạnh hậu môn, người bệnh sẽ thấy có 1 mụt nhọt nổi lên gây đau, sau đó vỡ ra chảy dịch máu mủ, có thể tái phát từng đợt.
Điều trị áp xe cạnh hậu môn là phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu ổ mủ. Vết thương sau đó để hở, chăm sóc hằng ngày để vết thương tự lành. 30% các ổ áp xe có thể tái phát lại sau đó hay diễn biến thành đường dò hậu môn. Cần phải phẫu thuật để cắt bỏ đường dò. Có nhiều phương pháp, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc chung là: cắt trọn đường dò, không để tái phát và không tổn thương cơ thắt.
3. Bệnh trĩ
Trĩ là tình trạng phình giãn của đám rối tĩnh mạch trĩ nội và ngoại ống hậu môn. Đây cũng là một bệnh thường gặp, hơn một nửa dân số sẽ mắc bệnh trĩ khi bước qua tuổi 30, rất nhiều người chịu đựng mà không tìm đến cơ sở y tế để điều trị. Nhưng ngày nay, nhiều phương pháp mới ra đời giúp việc điều trị bệnh trĩ không còn đáng sợ như xưa nữa'.
Đại tiện ra máu mặc dù không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Khi bị đại tiện ra máu tươi, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu, cơ thể mệt mỏi… đây cũng có thể là biểu hiện của ung thư trực tràng. Tốt nhất, khi thấy hiện tượng đại tiện ra máu, người bệnh cần đến chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, có thể tiến hành nội soi tìm nguyên nhân gây chảy máu và điều trị kịp thời để tránh các hậu quả, biến chứng đáng tiếc về sau.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!