Đi vệ sinh ra máu là dấu hiệu trĩ nhưng đồng thời cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc tự nhận định trĩ, tự đắp thuốc chữa có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
Bác sĩ Dương Phước Hưng, Trưởng khoa Ngoại I, Trưởng phân khoa Hậu môn - Trực tràng, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cho biết, hầu như tuần nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tự điều trị trĩ dẫn đến biến chứng nặng nề như vậy.
Do bệnh ở vùng nhạy cảm, nhiều người ngại đi khám nên khi có triệu chứng như đi vệ sinh ra máu, xuất hiện khối sa, đau rát ở vùng hậu môn... sẽ tự nghĩ mình bị trĩ và tự tìm cách điều trị hoặc tìm đến các thầy lang mua thuốc ‘gia truyền’ về đắp...
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Hưng, đi vệ sinh ra máu là dấu hiệu nhận biết trĩ nhưng đồng thời cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư trực tràng, nứt hậu môn, polyp trực tràng… hoặc những bệnh như viêm trực tràng xuất huyết (có thể xảy ra sau khi bệnh nhân làm xạ trị ở vùng chậu, xạ trị tử cung sau khi ung thư cổ tử cung…).
Thông thường, những bác sĩ được đào tạo chuyên về hậu môn trực tràng mới chẩn đoán, điều trị trĩ và các bệnh lý liên quan. Trong khi đó các thầy lang, thầy thuốc ‘gia truyền’ khám bệnh nhân có triệu chứng đi vệ sinh ra máu, có khối sa sẽ nghĩ ngay đến trĩ chứ không chẩn đoán, xét nghiệm để biết có phải là polyp, ung thư... hay không.
Do đó nếu cứ thế sử dụng thuốc bôi sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc bôi thuốc quá nhiều có thể tạo thành vết sẹo dài dẫn đến hẹp hậu môn. Những trường hợp nặng nề có thể nhiễm trùng, gây loét, hoại tử cả vùng hậu môn. Ngoài ra, với những trường hợp polyp hoặc ung thư, việc điều trị không đúng hướng sẽ khiến bệnh phát triển nhanh hơn.
‘Khi có triệu chứng chảy máu, nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định là trĩ hay các bệnh lý khác để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp’, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ là người phải làm công việc ít vận động, phải ngồi lâu, đứng lâu, lao động nặng nhọc... khiến áp lực dồn xuống hậu môn, dẫn đến máu không hồi lưu, làm cho khối tĩnh mạch phồng to, gây ra bệnh.
Ngoài ra, phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ, tử cung to đè lên, máu hồi lưu không về được cũng dễ làm xuất hiện trĩ. Người lớn tuổi do sự chùn nhão của dây chằng, người chơi thể thao nặng, người bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày... là những người dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Hưng đưa ra lời khuyên, cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau quả, đủ chất xơ, uống đủ nước, vận động thể dục hợp lý, không đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ... để ngăn ngừa bệnh trĩ, đặc biệt là ở người có nguy cơ cao. Khi xuất hiện triệu chứng bệnh, phải đi khám sớm, đúng chuyên khoa.
Nếu phát hiện sớm, trĩ độ 1, độ 2 có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Càng để lâu bệnh sẽ càng nặng, dễ biến chứng hơn. Khi trĩ tăng lên độ 3, độ 4 thì phải tiến hành các phương pháp can thiệp phức tạp, tốn kém hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!