Khi mùa đông tới, chúng ta đều cố gắng tránh để bản thân mắc cúm vì đây là thời điểm rất dễ mắc bệnh trong năm. Nhưng dù cẩn thận thế nào, cảm cúm vào mùa đông vẫn có thể trở thành trải nghiệm chẳng mấy vui vẻ với người lớn và trở thành nỗi ám ảnh với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngoài việc người bệnh mất thời gian khá dài để khỏi hoàn toàn, cảm cúm còn có thể lấy đi tính mạng của những người dễ bị tổn thường nhất.
Tồi tệ hơn, mới đây một bà mẹ đã lên tiếng cảnh báo sau khi cậu con trai 7 tuổi của cô qua đời do một biến chứng từ bệnh cúm thông thường. Trước đó, cô thậm chí không hề phát hiện ra các triệu chứng của cúm ở cậu con trai bởi cậu bé không có bất kỳ dấu hiệu “điển hình” nào của cúm như lên cơn sốt hay cơ thể nhức mỏi mà mọi người thường biết tới.
Cậu bé Cisco Galvez qua đời hồi đầu tháng 1 do một loại biến chứng nguy hiểm của cảm cúm.
Chia sẻ với kênh tin tức ABC 7 Chicago, Juanita Vidana cho biết cậu con trai Cisco Galvez của cô bắt đầu có các triệu chứng bất thường vào đêm trước thềm năm mới 2018. Sau khi cậu bé gặp vấn đề về hô hấp, Vidana đã nhanh chóng đưa con trai tới phòng cấp cứu ở San Bernardino, bang California để kiểm tra. Theo Juanita, phòng cấp cứu chật kín người tại thời điểm họ có mặt. Cô nói: “Phòng chứa đầy người bị ho và hắt hơi. Mọi người đến đó rõ ràng là bởi bị cảm cúm.”
Ban đầu, các bác sỹ cho rằng vấn đề về hô hấp của Galvez bắt nguồn từ chứng hen suyễn của cậu bé. Cậu bé được chữa trị nhanh chóng và xuất viện không lâu sau đó. Hơn một ngày sau, tình trạng của cậu bé xấu đi trông thấy, khiến cậu bị sốt cao, mệt mỏi cực độ và đau bụng nghiêm trọng. Những triệu chứng đó đã buộc Vidana đưa con trai quay lại bệnh viện ngay lập tức.
Vidana đã đưa con trai quay lại bệnh viện ngay lập tức sau khi cậu bé bị sốt cao, mệt mỏi cực độ và đau bụng nghiêm trọng.
Cô chia sẻ: “Thằng bé nói: ‘Mẹ à, con chỉ muốn về nhà và ngủ trên ghế thôi. Con muốn nằm xuống và duỗi chân ra. Con yêu mẹ’. Tôi nói rằng tôi cũng yêu thằng bé và tôi sẽ đưa thằng bé về nhà sau khi nó được kê thuốc và đã ổn hơn”. Bất hạnh thay, cậu bé 7 tuổi không bao giờ có cơ hội về nhà nữa. Vidana nói: “Họ đưa thằng bé vào phòng chăm sóc đặc biệt ở Loma Linda và thằng bé đã không qua khỏi. Mọi việc xảy ra quá nhanh, trong vài ngày, chỉ trong vài ngày thôi. Tôi không bao giờ nghĩ đến. Thằng bé đã rất khỏe mạnh mà”.
Cậu bé qua đời ngày hôm sau và các bác sỹ cho biết Galvez đã bị viêm cơ tim – một chứng bệnh tim gây viêm lớp giữa của thành tim. Theo nhiều bác sỹ, viêm cơ tim là chứng bệnh có liên hệ điển hình với cảm cúm. Bác sỹ Adrian Cotton thuộc Đại học Y Loma Linda cho biết: “Đó là loại biến chứng từ cảm cúm được rất nhiều người biết đến. Nó không xảy ra thường xuyên, nhưng khi nó xảy ra, hậu quả vô cùng nghiêm trọng”.
Cậu bé đã qua đời do bị viêm cơ tim.
Trao đổi với ABC 7, bác sỹ Cotton cho biết mùa cúm này là mùa tồi tệ nhất trong ít nhất 15-20 năm qua. Chỉ trong vòng một vài tuần, nó đã lây lan đến tất cả các bang của nước Mỹ. Ông bổ sung thêm: “Bạn biết đấy, hầu hết mọi người đều cho rằng cúm là do cảm lạnh và ‘mình sẽ nhanh khỏi thôi’. Hy vọng là mọi người đều sẽ khỏi bệnh nhưng sự thật là không phải ai cũng vậy”.
Chỉ một ngày sau cái chết của con trai, Vidana đã buộc phải đưa cô con gái 9 tuổi và cậu con trai 5 tháng tuổi quay lại phòng cấp cứu, bởi hai người con của cô cũng có các triệu chứng giống cúm. Bà mẹ này chia sẻ rằng cô muốn ngăn chặn sự việc của Galvez xảy ra với hai đứa con còn lại bởi chưa ai trong số họ được tiêm vaccine phòng cúm trong năm nay.
Biểu hiện và cách phòng tránh bệnh cúm ở trẻ
Các triệu chứng của bệnh cúm thông thường bao gồm:
- Sốt.
- Ho.
- Đau họng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Nhức đầu.
- Đau người, ớn lạnh và mệt mỏi.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh cúm cũng có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và thậm chí là suy tim.
Bệnh cúm nguy hiểm hơn đối với trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng tin vui là trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng cúm. Vắc xin phòng cúm được chứng minh là làm giảm nguy cơ bị cúm 51% ở trẻ em. Vắc xin này được tiêm hàng năm và tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4 tuần.
Nguồn: Mom, Family
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!