Vì vậy, tiêm phòng cúm rất quan trọng đối với tất cả mọi người ở các lứa tuổi. Đặc biệt ở nước ta, bệnh cúm đang gia tăng nhanh chóng trong tiết trời lạnh, có những trường hợp bệnh cảnh nặng nề. Do vậy, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả.
Thời điểm tiêm phòng vắc-xin cúm mùa thích hợp
Cúm là một bệnh truyền nhiễm do các chủng virus cúm influenza gây ra. Đây là một bệnh lý xảy ra theo mùa, thường là vào mùa thu đông và có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh qua đường hô hấp.
Bệnh cúm không chỉ biểu hiện cảm lạnh thông thường mà nó còn xảy ra đột ngột kèm theo nhiều triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, ho và đau họng. Cúm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau như viêm phổi. Đối với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cúm chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và người bệnh có thể tự bình phục sau 7-10 ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể gây tổn thương hô hấp nặng, thậm chí tử vong.
Tiêm vắc-xin cúm cho phụ nữ mang thai đem lại lợi ích gấp đôi. Ảnh: TM
Các nghiên cứu thực hiện qua nhiều mùa cúm, trên nhiều chủng virus và nhiều loại vắc-xin cúm cho thấy khả năng miễn dịch của cơ thể dù miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch nhờ vắc-xin đều giảm theo thời gian. Sự suy giảm kháng thể chống cúm do một số yếu tố như loại kháng nguyên sử dụng để chế tạo vắc-xin, tuổi của người được chủng ngừa và tình trạng sức khỏe của người được chủng ngừa. Người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có thể sản sinh lượng kháng thể chống cúm ít hơn so với những người trẻ và hàm lượng kháng thể chống cúm của họ cũng giảm nhanh chóng hơn theo thời gian.
Với một số loại vắc-xin, các kháng thể được tạo ra vẫn giữ được hoạt động trong nhiều năm. Nhưng các loại virus gây bệnh cúm có thể thay đổi qua từng năm. Do đó, các kháng thể được tạo ra do đáp ứng với vắc-xin cúm có thể hiệu quả trong năm nay nhưng khả năng không còn tác dụng đối với virus cúm trong năm sau. Vì lý do này, tiêm vắc-xin cúm nên được nhắc lại mỗi năm.
Có rất nhiều chủng virus cúm (influenza) và các chủng virus cúm cũng luôn luôn biến đổi. Vì vậy, thành phần của vắc-xin cúm được nghiên cứu, cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp hơn với các chủng virus cúm đang lưu hành năm đó. Vắc-xin cúm sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn để tạo ra kháng thể chống lại virus cúm. Những kháng thể này không mất đi mà lưu thông trong máu. Nếu bắt gặp virus cúm, chúng sẽ “đánh dấu” và ra hiệu cho hệ thống miễn dịch đến tiêu diệt ngay trước khi biểu hiện bệnh. Vắc-xin cúm nên được tiêm ngừa trước khi cúm mùa bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Khoảng 2 tuần sau khi tiêm vắc-xin, cơ thể có thể hình thành kháng thể bảo vệ khỏi các chủng virus có trong vắc-xin.
Các lưu ý cần thiết
Những đối tượng nên tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa là: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Phụ nữ mang thai. Người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Người mắc các bệnh lý mạn tính như: hen, viêm phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc HIV/AIDS, suy thận.
Những trường hợp không nên chủng ngừa cúm: Bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Bé từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin cúm trong quá khứ. Nếu con bị dị ứng với trứng hoặc bạn nghi ngờ về điều này, hãy báo cho bác sĩ bởi loại vắc-xin này được nuôi trong trứng gà và có thể chứa đặc tính của protein trứng. Tuy nhiên, bé vẫn có thể chủng ngừa cúm nếu chỉ bị phát ban khi tiếp xúc với trứng. Nếu bé không khỏe hoặc bị sốt, bạn phải báo cho bác sĩ biết trước khi tiêm.
Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin cúm
Phản ứng phụ thường gặp nhất của vắc-xin chủng ngừa cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau ở chỗ được tiêm. Trẻ em, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm virus cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Những triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 ngày. Các phản ứng dị ứng rất hiếm hoi nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ loại vắc-xin nào. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách nhận biết xem con bạn có gặp bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào không.
Tiêm vắc-xin cúm khi mang thai có giúp ích cho thai nhi?
Tiêm vắc-xin cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả bạn và thai nhi. Mặt khác, em bé sau sinh không thể chủng ngừa cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Khi bạn thực hiện tiêm phòng cúm khi mang thai, các kháng thể được tạo ra trong cơ thể của mẹ sẽ được truyền sang thai nhi. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm cho đến khi trẻ có thể chủng ngừa cúm lần đầu tiên khi được 6 tháng tuổi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!