Biến chứng sỏi thận, bệnh nhân được mổ ngay trên giường cấp cứu

Thời sự - 11/24/2024

Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã 'mổ tại giường' chữa khỏi tình trạng suy đa tạng cho nữ bệnh nhân 56 tuổi.

Biến chứng sỏi thận, bệnh nhân được mổ ngay trên giường cấp cứu

Các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Người bệnh Đào Thị L (SN 1964) ở Thanh Thủy - Phú Thọ được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTCCĐ) ngày 25/2/2020 trong tình trạng ý thức lơ mơ, khó thở nhiều, vật vã, kích thích, huyết áp tụt 70/40 mmHg.

Đánh giá ban đầu người bệnh bị sốc nhiễm trùng nặng, sốt 38,5 độ C, billan viêm tăng rất cao, suy đa tạng, siêu âm nhanh tại giường phát hiện ứ mủ thận phải, sỏi niệu quản phải, giãn niệu quản phải.

Được biết bà L có tiền sử sỏi tiết niệu, đã điều trị ở Bệnh viện Quân Y 105 từ năm 2015. Thời gian gần đây, bà thấy có biểu hiện đau thắt lưng và sốt. Bà vào điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy, nhưng sau hai ngày tình trạng không cải thiện nên đã chuyển xuống Khoa HSTCCĐ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục điều trị.

Tại Khoa HSTCCĐ, ngay lập tức người bệnh được dùng các biện pháp hồi sức tích cực: Đặt ống nội khí quản thở máy; Lọc máu liên tục; Duy trì các loại thuốc vận mạch; Thăm dò huyết động theo phương pháp PICO; Dùng kháng sinh theo kinh nghiệm...

Ngày điều trị thứ hai, người bệnh vẫn trong tình trạng sốc nặng, suy đa tạng, nhiễm trùng nặng, ứ mủ thận phải nhiều, niệu quản phải giãn nhiều do sỏi. Các bác sĩ đã chỉ định can thiệp sỏi niệu quản cho người bệnh. Tuy nhiên do tình trạng sốc nặng, không thể di chuyển người bệnh xuống Khoa Gây mê hồi sức nên Khoa HSTCCĐ đã xin hội chẩn toàn viện với các Khoa: Tim mạch; Gây mê; Ngoại tiết niệu, quyết định phẫu thuật người bệnh trực tiếp tại Khoa HSTCCĐ.

Người bệnh được phẫu thuật theo phương pháp nội soi, xẻ lỗ niệu quản lấy sỏi, đặt sonde JJ niệu quản bên phải.

Ba ngày sau phẫu thuật, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, đã rút ống nội khí quản, cắt hoàn toàn thuốc vận mạch. Tình trạng viêm và suy đa tạng đã giảm rõ rệt. Dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.

Cảnh giác biến chứng sỏi thận

Theo bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Nguyễn Quang Cừ - Bệnh viện đa khoa An Việt, bệnh sỏi thận rất nguy hiểm nhưng người bệnh thường chủ quan.

Bác sĩ Cừ cho biết, sỏi thận gây ra nhiều biến chứng như giãn đài bể thận và thận ứ niệu. Biến chứng này do sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.

Biến chứng sỏi thận, bệnh nhân được mổ ngay trên giường cấp cứu

Bác sĩ Nguyễn Quang Cừ

Sỏi gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: như viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết. Sỏi gây tình trạng viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng xơ teo thận, huyết áp cao.

Đặc biệt, sỏi thận gây ra suy thận, thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của sỏi.

Sỏi gây ra viêm loét và xơ hóa tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.

Theo bác sĩ Cừ, khi xuất hiện các cơn đau quặn vùng thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng, tính chất đau là dữ dội từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Người bệnh còn đi tiểu ra máu, bình thường sỏi gây đái máu vi thể, sau vận động tính chất đái máu tăng, xuất hiện đau và đái máu đại thể toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục.

Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng khác như sốt, đái buốt, đái rắt người bệnh cần chú ý đến các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!