Biết đau từ... trong bụng mẹ

Thời sự - 11/24/2024

Nhân cách nổi loạn, chống đối của tuổi thiếu niên có thể bắt nguồn từ nỗi đau chia ly mà trẻ phải gánh chịu khi 'chưa biết gì', thậm chí khi còn trong bụng mẹ

Bác sĩ CKII Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (TP HCM), kể lại một ca bệnh hết sức hy hữu: Một em bé đã hơn 4 tuổi đã được mẹ đưa đi khám khắp nơi vì không thể nói được.

Những biến đổi khó ngờ

Đi khám tai mũi họng cho thấy bé hoàn toàn bình thường nên người ta nghi bé bị chậm phát triển. Mọi biện pháp can thiệp đều vô hiệu. Trong khi người mẹ luôn khẳng định một chi tiết lạ lùng: Bé từng nói được trong quá khứ.

'Cháu bé bị cái gọi là 'hội chứng chia ly'. Bé đã phải xa cha ruột từ khi mới 2-3 tuổi, mẹ bé cấm người cha gặp con. Dù rất nhỏ, bé cũng bị tổn thương và tự dưng mất đi khả năng nói. Tôi cố thuyết phục người mẹ hãy tạm hòa hoãn với chồng cũ, cho anh ấy được thăm con, được đóng góp tài chính chăm sóc con. Một thời gian sau, cháu bắt đầu nói được trở lại' - BS Khuyên kể.

Biết đau từ... trong bụng mẹ

Một cặp vợ chồng cùng nghe tư vấn về thai kỳ tại Bệnh viện Hùng Vương. Sự đồng hành, yêu thương nhau của cha mẹ ngay từ khi mới hoài thai, sẽ giúp trẻ phát triển tốt về nhân cách Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một em bé khác thì cứ mỗi lần mưa gió, sấm chớp là gào khóc, không cách nào dỗ được. Kết quả khám cho thấy bé bị ám ảnh từ những cuộc cãi vã ngày xưa của cha mẹ khi bé còn trong nôi, từ đó vô tình bị liên kết với hình ảnh mưa gió: Mỗi lần thời tiết thay đổi, hình ảnh người cha hung dữ lại hiện về từ trong tiềm thức của bé.

ThS-BS Đinh Thạc, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết ông đã từng gặp rất nhiều em bé bị cho là 'quậy' hay khó gần, mà nguyên nhân sâu xa dẫn đến tính nết thất thường của các bé là do một cuộc chia ly hay những cãi vã của cha mẹ từ thời em bé vài tháng tuổi, tưởng như 'chưa biết gì'.

'Khi trẻ lớn lên và đi học, hậu quả của tổn thương ngày xưa khiến trẻ biểu hiện những bất thường trong nhân cách theo nhiều hướng khác nhau. Có bé nhất định không chịu học, không phải vì bé không đủ thông minh mà là cố tỏ ra bất cần đời, chống đối. Có bé lại 'rút' người lại, giấu mình trong một vỏ bọc, luôn cô độc, không quan tâm đến mọi sự việc' - BS Đinh Thạc phân tích.

Rối loạn nhân cách do 'hội chứng chia ly'

Theo ThS-BS Đinh Thạc, suy nghĩ 'bé còn chưa biết gì' và vô tình để bé chứng kiến trực tiếp những bất hạnh gia đình là rất nguy hiểm. Cha mẹ có thể thấy bé khóc thét lên và nghĩ đơn giản rằng bé sợ. Thế nhưng, không phải vậy. 'Đó thường là những tiếng khóc nghe rất buồn, ảo não. Từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã biết cảm nhận được tình cảm của người xung quanh. Đến mốc 6 tháng, bé đã biết quan sát tốt và biết giao tiếp với mọi người. Bé không thể nói được nhưng bé vẫn bị tổn thương. Trẻ lớn thực ra có thể dễ dàng hiểu và vượt qua hơn, trẻ nhỏ mới dễ gặp bất ổn' - ThS-BS Đinh Thạc nhấn mạnh.

Còn theo BS Trần Minh Khuyên, một số nghiên cứu trên thế giới thậm chí còn khẳng định 'hội chứng chia ly' dẫn đến rối loạn nhân cách - một vấn đề nghiêm trọng mà trẻ em có thể mắc phải là do nguyên nhân cha mẹ có xung đột, thậm chí còn bị ảnh hưởng từ một cuộc chia ly của cha mẹ xảy ra từ ngày bé còn... trong bụng mẹ.

BS Minh Khuyên cho rằng cảm xúc của người mẹ khi mang thai ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Khi mẹ buồn đau vì chia ly, một số nội tiết tố trong cơ thể thay đổi. Những đứa trẻ đó lớn lên, có khi đến tận lúc thành người lớn, mới biểu hiện rõ ràng tình trạng rối loạn nhân cách do 'hội chứng chia ly' như: cố tình chống đối xã hội, tìm cách làm sai pháp luật, ví dụ như cố tình vượt đèn đỏ không có mục đích rõ ràng khi đi đường.

BS Trần Minh Khuyên cũng là một giám định viên pháp y tâm thần. Ông từng gặp một thanh niên sau khi gây án có những hành vi khiến công an cũng không hiểu nổi: anh ta tự nhiên dùng hung khí tấn công một nhóm 5-6 người, để rồi khi bị rượt đánh, anh ta đứng đấy, không thèm bỏ chạy, cứ như chờ để bị đánh. Khai thác sâu hơn về gia đình, thanh niên này cũng có những nét của 'hội chứng chia ly'.

Theo BS Đinh Thạc, những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, đang là con của một người cha hay mẹ đơn thân rất dễ bị bạn bè chọc ghẹo trong lớp, dễ bị trêu chọc là con không cha, không mẹ... Những áp lực này sẽ làm nặng thêm các biểu hiện 'hội chứng chia ly' của trẻ. Vì vậy, nếu bản thân người đang chăm sóc thấy trẻ có tính cách bất thường, cố ý làm những hành vi trái khoáy (dù đã cố gắng chăm sóc, giáo dục bé một cách tốt nhất) thì hãy sớm đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý.

'Nếu việc cha mẹ không thuận hòa ảnh hưởng xấu đến bé thì ngược lại, nỗ lực của người chồng đồng hành với vợ khi mang thai, khi nuôi con nhỏ sẽ giúp các bé phát triển tốt về mặt nhân cách, đồng thời còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa chứng trầm cảm sau sinh ở mẹ, một vấn đề cũng gián tiếp ảnh hưởng tới con nhỏ' - BS Minh Khuyên khuyến cáo.

Đừng dạy trẻ ghét cha, mẹ

BS Đinh Thạc lưu ý rằng việc một số người cha, người mẹ vì bị tổn thương đã tìm cách cách ly trẻ ra khỏi người kia, thậm chí cố tạo cho trẻ những suy nghĩ rằng người kia xấu, không tốt... Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ, nhất là với những trẻ còn quá nhỏ. Khi cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt, hãy nghĩ đến việc giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng tâm lý vì cuộc chia tay của mình, đó là cố gắng tránh việc gây gổ trước mặt trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!