Biểu hiện và cách chữa bệnh chàm ở trẻ

Làm mẹ - 11/28/2024

Trà xanh có tác dụng sát trùng, làm dịu cơn ngứa, giúp bé dễ chịu hơn rất nhiều, đồng thời giúp những nốt mụn nước khô se.

Biểu hiện

Biểu hiện cơ bản của bệnh chàm là ngứa và nổi mụn nước trên bề mặt da. Mụn nước thường tập trung thành từng chùm trên nền da đỏ. Bệnh tiến triển theo 5 giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1: Giai đoạn viêm đỏ

+ Bắt đầu bằng ngứa và xuất hiện đám màu đỏ.

+ Trên bề mặt da xuất hiện những hạt nhỏ có màu hơi trắng, sau đó tạo thành mụn nước giống như rôm.

- Giai đoạn 2: Giai đoạn nổi mụn nước

+ Các mụn nước xuất hiện sớm trên nền da đỏ, có khi lan ra vùng da lành, kích thước nhỏ, đôi khi chúng hợp lại tạo thành mụn nước lớn.

+ Mụn nước nhỏ rất nông, có chứa dịch trong, sắp xếp thành mảng chi chít, dày đặc. Có thể có nhiều đợt mụn nước nổi lên ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Biểu hiện và cách chữa bệnh chàm ở trẻ

Ảnh minh họa

- Giai đoạn 3: Giai đoạn chảy nước

+ Mụn nước có thê vỡ do gãi hoặc bị vỡ tự nhiên.

+ Da ở mảng chàm có nhiều vết trợt, dễ bị bội nhiễm.

- Giai đoạn 4: Giai đoạn da nhẵn

+ Sau một thời gian, sự xuất tiết giảm, khi chảy nước vàng, huyết thanh đọng lại trên mặt da làm thành những vảy tiết dày. Sau đó vảy tiết khô rồi bong ra, để lại lớp da mỏng.

+ Giai đoạn này diễn ra khá nhanh trong 1-3 ngày.

- Giai đoạn 5: Giai đoạn bong vảy

+ Lớp da mỏng vừa tái tạo tự rạn nứt, bong vảy thành mảng dày hoặc vụn như cám.

+ Da dày lên và tăng sắc tố do chàm.

Triệu chứng cơ bản của bệnh, ngứa xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu bị đỏ da đến cuối giai đoạn. Chính vì ngứa nên các cháu bé rất khó chịu và càng gãi càng ngứa. Bệnh càng khó điều trị và dễ gây ra bội nhiễm tạo thành các tổn thương khó lành trên da.

Điều trị bệnh

Việc điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để cải thiện tình trạng bệnh.

Ngoài ra các mẹ cũng cần lưu ý một số điểm sau:

- Để ý xem tình trạng bệnh của con có bị yếu tố nào làm nặng thêm hay không, ví dụ như thức ăn, bỉm, quần áo, xà phòng, nước giặt, nước xả vải…, nếu có thì cần tránh những yếu tố này.

- Giữ vệ sinh da sạch sẽ cho các cháu bé, đặc biệt là vùng da bị bệnh. Tránh cọ xát, gãi, xát chanh, xà phòng vì sẽ làm vùng da bị bệnh bội nhiễm tạo nên những tổn thương khó lành. Không nên bôi đắp những loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Cho các cháu ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước mỗi ngày, nhất là các loại nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin (nước chanh, cam, bưởi,…) để giải độc cơ thể, bài trừ độc tố, nâng cao sức đề kháng nhằm chống lại vi khuẩn gây bệnh hiệu quả.

- Có thể tắm hoặc rửa vùng nổi mẩn bằng nước chè xanh đặc có pha chút muối loãng. Trà xanh có tác dụng sát trùng, làm dịu cơn ngứa, giúp bé dễ chịu hơn rất nhiều, đồng thời giúp những nốt mụn nước khô se.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!