Chàm thể tạng: Căn bệnh khiến trẻ nhỏ khốn khổ

Làm mẹ - 11/24/2024

Đây là một bệnh da mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh cũng xuất hiện ở các nhóm tuổi khác, gây ngứa nhiều, hay tái phát, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, chàm thể tạng hay viêm da cơ địa luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh nhân đến khám tại bệnh viện. Đây là một bệnh da mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh cũng xuất hiện ở các nhóm tuổi khác, gây ngứa nhiều, hay tái phát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngày nay số người mắc bệnh chàm thể tạng cao hơn rất nhiều so với cách đây 30 năm. Ước tính trên thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và 1-3% người lớn mắc bệnh. Hầu hết trường hợp bệnh xuất hiện trước 5 tuổi. Khoảng 50% trẻ em chàm thể tạng vẫn còn bệnh khi đã trưởng thành.

Theo bác sĩ Hào, biểu hiện lâm sàng của chàm thể tạng thay đổi theo lứa tuổi. Bệnh có thể khởi phát sớm lúc bé mới 2-3 tháng tuổi. Triệu chứng xuất hiện đột ngột làm da khô, tróc vảy và ngứa ở đầu, mặt, nhất là gò má hoặc các vùng khác của cơ thể. Da nổi mụn nước, vỡ ra và rỉ dịch, gây ngứa từng cơn... Trẻ thường phải chà xát lên giường, nệm hay các đồ vật khác vì ngứa, ngủ không ngon giấc. Da trẻ có thể nhiễm trùng do chà xát và cào gãi.

Chàm thể tạng: Căn bệnh khiến trẻ nhỏ khốn khổ

Trẻ bị chàm trên tay, mặt, bụng (Ảnh: Lê Mai)

Ở trẻ em từ 2 tuổi cho đến dậy thì, thương tổn thường bắt đầu tại nếp gấp khuỷu tay hay đầu gối. Những vị trí khác cũng hay gặp là cổ, cổ tay, mắt cá hay nếp gấp giữa mông và đùi, gây ngứa, tróc vảy. Theo thời gian, da chàm thể tạng trở nên sần sùi, thương tổn trắng ra (hay sạm đi), da dày lên do cào gãi nhiều mà các bác sĩ thường gọi là hiện tượng 'liken hóa'. Ngoài ra, vùng da dầy xuất hiện các nốt sần, ngứa liên tục.

Người lớn ít mắc bệnh chàm thể tạng hơn và có biểu hiện khác với trẻ em. Thông thường, thương tổn xuất hiện ở nếp gấp khuỷu tay hay đầu gối và gáy, diện tích thương tổn lan rộng trên cơ thể. Triệu chứng thể hiện rõ ở cổ và mặt, gây ảnh hưởng xấu đến da vùng quanh mắt, da rất khô, ngứa liên tục, da tróc vảy nhiều hơn ở trẻ em, có thể gây nhiễm trùng da. Nếu bị chàm thể tạng trong khoảng vài năm, thương tổn sẽ trở nên dày và sậm màu hơn các vùng da còn lại, gây ngứa liên tục.

'Ở những người đã từng bị bệnh lúc nhỏ, khi trưởng thành không còn triệu chứng chàm thể tạng, tuy nhiên da có thể xuất hiện tình trạng khô, da dễ bị kích ứng, chàm bàn tay, tổn thương mắt như chàm mi, đục thủy tinh thể', bác sĩ Hào chia sẻ.

Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta đã biết nhiều hơn về cơ chế sinh bệnh của chàm thể tạng. Bệnh do sự tương tác giữa yếu tố di truyền (cơ địa, do gen quyết định) với yếu tố môi trường (vi sinh vật, dị nguyên từ thức ăn…) và hoạt động của hệ thống miễn dịch cơ thể làm cho da người bệnh giảm khả năng tự bảo vệ và xảy ra hiện tượng viêm. Ngoài ra, có một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

- Tiền sử gia đình:có người thân bị chàm thể tạng, hen suyễn, hay viêm mũi dị ứng. Đây là yếu tố nguy cơ mạnh nhất.

- Nơi sinh sống:ở những nơi có mức độ ô nhiễm môi trường cao hay vùng khí hậu lạnh làm tăng nguy cơ chàm thể tạng. Ví dụ trẻ em người Việt sống ở London (Anh) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ sống tại Việt Nam.

- Giới tính:nữ giới có tỷ lệ bệnh cao hơn so với nam.

- Tầng lớp xã hội:bệnh gặp nhiều hơn ở người có điều kiện sống cao.

-Thức ăn: không phải là nguyên nhân của bệnh, tuy nhiên dị ứng thức ăn làm cho chàm thể tạng nặng hơn. Trẻ em chàm thể tạng thường dị ứng với một số loại thức ăn như sữa và các sản phẩm từ sữa, quả hạch, sò… Trước khi cho trẻ ngưng bất cứ loại thức ăn nào, người nhà nên thảo luận với bác sĩ da liễu. Trẻ em cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển bình thường.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp vùng da tổn thương, hỏi một số câu liên quan đến triệu chứng ngứa và tiền sử gia đình về chàm thể tạng, hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Trong một số trường hợp, cần phải xét nghiệm tìm chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) làm bệnh nặng hơn.

Bác sĩ Hào nhấn mạnh, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hẳn chàm thể tạng, chỉ có thể kiểm soát được bệnh. Việc điều trị giúp phòng ngừa bệnh trở nặng, làm dịu da, giảm đau và ngứa, từ đó giảm stress tâm lý, phòng ngừa nhiễm trùng và làm cho da không dầy thêm. Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị khác nhau như sử dụng thuốc, chất dưỡng ẩm, chăm sóc da và điều chỉnh lối sống. Thuốc cũng như các phương pháp điều trị khác có tác dụng kiểm soát ngứa, giảm viêm da (đỏ, sưng), chống nhiễm trùng, bong vảy (nếu có), ngăn ngừa hình thành thương tổn mới.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!