Bình tĩnh sơ cứu chấn thương vùng mắt của con!

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Mắt là một bộ phận dễ bị tổn thương, đặc biệt là với trẻ con. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu dấu hiệu, cách phòng ngừa và chăm sóc nếu mắt con bạn bị tổn thương.

Mắt là một bộ phận dễ bị tổn thương. Chỉ cần mắt va chạm với một cành cây nhỏ hay một vật nhọn cũng sẽ gây ra hậu quả lớn. Mối quan tâm lớn nhất của bạn khi đó là liệu thị giác có bị ảnh hưởng hay không? Đối với trẻ em, nếu chúng nói với bạn rằng mắt chúng mờ đi hay không thấy rõ sau một va chạm nào đó, hãy kiểm tra thị giác của trẻ tại nhà bằng cách che một bên mắt lại và nhìn một vật ở xa, sau đó đổi bên rồi hỏi trẻ có nhìn thấy rõ không. Trẻ em dưới 3 tuổi cần được khám để có thể xác định độ tổn thương ở mắt vì hầu như chúng không biết cách mô tả rõ.

Dấu hiệu và triệu chứng khi trẻ bị chấn thương vùng mắt là gì?

Tùy vào loại tổn thương, vùng mắt của trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng sau:

Tiếp xúc với hoá chất: triệu chứng phổ biến nhất là đau mắt hay bỏng nặng. Nước mắt bắt đầu chảy nhiều, mắt sẽ đỏ và mí mắt sưng lên.

Xuất huyết dưới kết mạc (chảy máu): nhìn chung, tình trạng này thường vô hại. Thị giác không bị ảnh hưởng. Mắt sẽ có một vết máu nhỏ ở lòng trắng mắt. Điều này xảy ra khi một mạch máu nhỏ bị vỡ trên bề mặt mắt. Vùng bị đỏ sẽ lan rộng ra và điều này có khi đến mức báo động. Nếu nó không liên quan đến các dấu hiệu khác của chấn thương thì không nguy hiểm và sẽ lành từ 4 – 10 ngày sau đó mà không cần điều trị.

Trầy xước giác mạc: dấu hiệu bao gồm đau đớn, cảm giác khó chịu trong mắt, chảy nước mắt hay nhạy cảm với ánh sáng.

Viêm giác mạc mống mắt: đau đớn và nhạy cảm với ánh sáng là triệu chứng phổ biến nhất. Cơn đau có thể như một cơn nhức dữ dội ở trong và xung quanh vùng mắt. Đôi khi dẫn tới việc chảy nước mắt thường xuyên.

Xuất huyết tiền phòng (chảy máu trong khu vực phía trước của mắt): dấu hiệu phổ biến là đau đớn và thị giác mờ dần.

Gãy hốc mắt: triệu chứng bao gồm đau nhức, nhất là khi cử động mắt; thị lực giảm khi che một bên mắt; sưng mí mắt nghiêm trọng. Sưng mắt và bấm mắt cũng thường xuyên xảy ra. Mắt bầm đen là kết quả của việc chảy máu mắt ở trong mí. Bệnh lý này có thể mất vài tuần để vết bầm biến mất.

Vết rách kết mạc: dấu hiệu bao gồm đau nhức, đỏ mắt và cảm giác khó chịu trong mắt.

Vết rách giác mạc và củng mạc: giảm thị lực và đau nhức.

Vật cứng bên ngoài gây tổn thương mắt:

  • Giác mạc: cảm giác khó chịu bên trong mắt, chảy nước mắt, mắt mờ và nhạy cảm với ánh sáng là những triệu chứng phổ biến. Đôi khi, vật cứng có thể thấy trên giác mạc. Nếu chúng là kim loại, vết gỉ có thể xuất hiện trong mắt;
  • Dưới hốc mắt: thị lực giảm và cơn đau nhức sẽ xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày sau chấn thương. Đôi lúc cũng không có triệu chứng nào phát sinh;
  • Trong mắt: bệnh nhân thường đau mắt và thị lực có dấu hiệu suy giảm, nhưng nếu vật cứng đó nhỏ và rơi vào mắt ở tốc độ nhanh, bệnh nhân sẽ không có bất cứ triệu chứng nào.

Chấn thương nhẹ:

  • Viêm giác mạc cực tím (viêm giác mạc do tia cực tím): đau nhức, nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt và có cảm giác cộm trong mắt. Triệu chứng thường không xuất hiện ngay lập tức mà sẽ xuất hiện 4 tiếng sau khi mắt tiếp xúc tia cực tím;
  • Võng mạc: thị lực giảm với mắt bị mờ phần nào.

Chăm sóc tại nhà khi bị chấn thương vùng mắt

Nếu chỉ bị trầy xước nhẹ, bạn nên bảo vệ mắt của trẻ bằng lớp khăn sạch, sau đó rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó áp miếng băng gạc y tế lên mắt và giữ yên trong 10 phút để máu ngừng chảy.

Tình trạng sưng thường phát triển sau khi bị chấn thương mô mềm hay xương quanh vùng mắt. Lúc này, bạn hãy chườm đá lên vết thương của trẻ trong 20 phút. Bạn cũng có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau nếu cần thiết. Không nên quá lo lắng nếu mắt bầm đen trong 2 ngày sau đó. Mắt bầm đen vô hại và không cần điều trị đặc biệt. Xuất huyết mạc cũng không phải là mối lo lắng lớn. Những vết bầm này sẽ không lây lan vào bên trong mắt. Chúng chỉ kéo dài trong 2 tuần và sẽ tự biến mất mà không cần tác động từ thuốc hay bất cứ loại trị liệu nào.

Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu:

  • Vết thương bị hở và cần khâu lại;
  • Vết rách xuất hiện trên mắt và mí mắt;
  • Vết thương nghiêm trọng;
  • Luôn chảy nước mắt hay chớp mắt;
  • Trẻ luôn phải che mắt và không thể mở mắt;
  • Thị lực giảm sút hoặc mất thị lực một trong hai mắt;
  • Nhìn thấy hình ảnh nhân đôi và trẻ không thể nhìn lên phía trên;
  • Chảy máu và tình trạng bị đục ngầu xuất hiện trong giác mô (phần trong nhất);
  • Mắt bị tấn công bởi một vật nào đó với tốc độ cao (như máy cắt cỏ);
  • Vật nhọn đâm trúng mắt (chẳng hạn như kềm kim loại);
  • Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và có bất kì dấu hiệu chấn thương nào (mắt bầm đen hay chảy máu trong lòng trắng mắt);

Bạn nên làm gì để phòng ngừa chấn thương vùng mắt cho trẻ?

  • Không mua cho trẻ em súng đồ chơi đầu nhọn, vì vật đánh trúng mắt thường dẫn đến mất thị lực;
  • Không cho trẻ chơi gần nơi làm việc của máy cắt cỏ, cưa hay những vật có thể gây ra chấn thương mắt.
  • Nếu trẻ chơi trò chơi hoặc đồ chơi có thể gây nguy hiểm, hãy quan sát cẩn thận.
  • Giữ các loại hoá chất trong nhà xa tầm với của trẻ.
  • Che chắn các góc nhọn của bàn, tủ, nơi tiếp giáp cầu thang,… để tránh trẻ ngã vào gây chấn thương mắt.
  • Hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo,…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!