Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Ưu tiên chăm sóc, nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Thời sự - 04/30/2024

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, mở ra cơ hội lớn để đồng bào DTTS phát huy nội lực, vươn lên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của chương trình, trước m

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Ưu tiên chăm sóc, nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến báo cáo giải trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn

Phóng viên:Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 được đánh giá và kỳ vọng là giải pháp quan trọng nhất để phát triển bền vững vùng DTTS và MN trong tương lai. Mục tiêu cụ thể của chương trình là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến:Vùng đồng bào DTTS và MN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng KT-XH và đời sống của đồng bào đã được cải thiện rõ rệt nhưng hiện nay vẫn là vùng khó khăn nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS và MN xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế bất cập...

Chương trình MTQG nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ ra trong Báo cáo số 426/BC-CP của Chính phủ; là giải pháp quan trọng, có tính đột phá để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Giảm nghèo nhanh, bền vững; Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư; Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể về định hướng tập trung, ưu tiên đầu tư của chương trình?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến:Về giải pháp thực hiện, chương trình sẽ phân định vùng DTTS và MN theo trình độ phát triển để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù; Áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án của chương trình; Đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó vốn nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn ODA và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của người dân để thực hiện các mục tiêu của chương trình theo nguyên tắc 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'.

Hiện Chính phủ đã xem xét Đề án phân định vùng DTTS và MN và ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí cụ thể. Đến nay đã có 51 tỉnh phân định sơ bộ, tập hợp kết quả để làm căn cứ xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Dự kiến quý III/2020 Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định tiêu chí. Khi lập báo cáo khả thi sẽ có danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng DTTS và MN, các xã, thôn đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình.

Việc thực hiện chương trình sẽ đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; quán triệt phương châm: 'Dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi', 'Xã, thôn có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập'; Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; lồng ghép, thực hiện bình đẳng giới trong triển khai thực hiện chương trình; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp; Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để theo dõi, giám sát.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Ưu tiên chăm sóc, nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Khám bệnh miễn phí cho đồng bào DTTS ở Quảng Ninh. Ảnh: Trần Huyền

Phóng viên: Chăm sóc sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, là một trong những ưu tiên quan trọng trong Chương trình MTQG. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể về lĩnh vực này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến: Để thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng DTTS và MN, UBDT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Y tế và các địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp để chăm sóc tốt sức khỏe cho đồng bào.

Một trong những nhiệm vụ của Chương trình MTQG sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Thực hiện chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số cho đồng bào DTTS theo 3 nhóm: Ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS; Tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; Giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào DTTS. Trong đó quan tâm thực hiện một số chính sách cụ thể như: Bảo hiểm y tế; Đầu tư cho y tế cơ sở, một số bệnh viện huyện ở vùng đồng bào DTTS và MN; Chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách dân số, chính sách khuyến khích đồng bào DTTS sinh con tại cơ sở y tế xã, chính sách phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản, nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số tại vùng đồng bào DTTS và MN...;

Tăng cường công tác y tế dự phòng hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống bệnh tật, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vấn đề bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Triển khai các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, khơi dậy các phong trào luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của người dân vùng đồng bào DTTS và MN; Hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ cở y tế kết hợp quân - dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào DTTS và MN; Tiếp tục quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu, đặc biệt là cán bộ DTTS người địa phương.

Phóng viên:Chúng tôi tin tưởng, với cái tâm, cái tầm của người đứng đầu và trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc cùng sự đồng lòng, nỗ lực vươn lên của đồng bào, vùng DTTS trong tương lai sẽ có nhiều khởi sắc, phát triển bền vững, hòa nhập cùng đất nước. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!