Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/12: Cậu bé cứ ra sáng là bị mù

Thời sự - 11/24/2024

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/12/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 9/12/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cậu bé cứ ra sáng là bị mù

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/12: Cậu bé cứ ra sáng là bị mù

Bệnh Achromatopsia khiến cậu bé Harvey luôn phải đeo loại kính râm đặc biệt. (Ảnh: Daily Mail)

Theo tờ Daily Mail, cậu bé Harvey (Anh) được chẩn đoán mắc hội chứng Achromatopsia khi đến khám tại Viện mắt Moorfields ở London hồi tháng 12/2009. Bố mẹ của em bắt đầu cảm thấy không ổn khi con trai của họ gặp vấn đề về sự tập trung.

Hội chứng Achromatopsia là bệnh về võng mạc, trong đó các tế bào chịu trách nhiệm về sự nhạy cảm ánh sáng và màu sắc trong mắt không hoạt động. Căn bệnh này có tỷ lệ người mắc phải là 1/35.000 người và hiện vô phương cứu chữa.

Mắc căn bệnh này đồng nghĩa với việc Harvey bị mù màu hoàn toàn và cậu bé chỉ nhìn thấy thế giới trong 2 màu đen và trắng. Hơn thế nữa, mắt của Harvey bị lóa hoàn toàn (tương tự như bị mù) khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khiến cậu bé không thể tham gia các hoạt động ngoài trời với bạn bè cùng trang lứa và cần sự hỗ trợ thêm trong lớp học.

Các bác sĩ đã yêu cầu Harvey đeo một loại kính râm đặc biệt, chỉ cho 10% ánh sáng lọt qua hầu như mọi lúc, mọi nơi, trừ khi ngủ. Bố mẹ cậu bé cũng thường xuyên che phủ rèm cửa tại nhà của họ để tạo môi trường ánh sáng yếu, giúp cậu con trái bé bỏng có thể nhìn thấy mặt họ.

Em gái của Harvey – bé Megan, 3 tháng tuổi – cũng vừa được chẩn đoán mắc bệnh về mắt như anh trai. Dẫu vậy, cô bé chưa cần đeo các loại kính đặc biệt như Harvey.

Hiện tại cả 2 anh em Harvey và Megan đều đang được cho tham gia các thử nghiệm tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh Achromatopsia do hội từ thiện chiến đấu vì thị lực tài trợ một phần.

Một phụ nữ nguy kịch vì uống một lần 60 viên thuốc hạ huyết áp

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/12: Cậu bé cứ ra sáng là bị mù

Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng suy tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp Amlodipin. (Ảnh: BV)

Mới đây các bác sĩ bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 31 tuổi với biểu hiện mệt nhiều, da lạnh, huyết áp tụt sâu.

Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy khí máu toan chuyển hóa, tăng lactat. Trước đó, người này đã uống 60 viên thuốc amlodipin 5mg. Kíp bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực như thải độc, truyền dịch, thuốc vận mạch, insulin liều cao, truyền canxi… để cứu bệnh nhân thoát khỏi tình trạng 'ngàn cân treo sợi tóc'.

Amlodipin là thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều có thể khiến người bệnh bị nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút, nhịp tim tăng nhanh, ngất xỉu…

Trong trường hợp này, nữ bệnh nhân cùng lúc sử dụng lượng lớn thuốc Amlodipin (tổng liều lượng 300mg) khiến cơ thể bị nhiễm độc nghiêm trọng, gây suy tuần hoàn nặng, nguy cơ tử vong cao. Không ít trường hợp tương tự dù đã được điều trị tích cực bằng các kỹ thuật tiên tiến nhất nhưng vẫn không thể qua khỏi.

Các bác sĩ khuyến cáo người mắc các bệnh lý tăng huyết áp cần đi thăm khám định kỳ để được tư vấn, lựa chọn thuốc và kê đơn sử dụng, điều chỉnh liều lượng phù hợp. Điều trị bệnh hiệu quả theo đúng chỉ định, người bệnh sẽ giảm các nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ, suy tim đồng thời tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Đi khám đau bụng phát hiện mắc u tuyến cận giáp

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vừa điều trị bệnh nhân mắc u tuyến cận giáp do 1 lần đi khám đau bụng phát hiện.

Đây là một bệnh lý hiếm gặp, chẩn đoán thường nhầm lẫn hoặc bỏ sót do bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng.

Bệnh nhân là chị L.N.B.V., 37 tuổi, nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng đau âm ỉ vùng thượng vị tăng dần. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, nồng độ men tụy trong máu tăng cao và hình ảnh siêu âm ổ bụng hình ảnh phù nề đầu tụy. Tuy nhiên, nhận thấy sự bất ổn, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân được siêu âm vùng cổ và xét nghiệm định lượng canxi máu, canxi nước tiểu.

Kết quả ghi nhận khối u gần 1cm ở tuyến cận giáp, lượng canxi trong máu bệnh nhân gấp đôi bình thường, canxi trong nước tiểu cũng tăng rất cao. Bệnh nhân sau đó trải qua một cuộc phẫu thuật trong 2 giờ để loại bỏ hoàn toàn khối u này và xuất viện trong tình trạng ổn định.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!