Chiều 5-2, Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV).
Thế giới có 907 ca nCoV đã bình phục, xuất viện
Thông tin tại đây cho biết, tính đến 14h ngày 5-2, trên thế giới có hơn 24.500 ca mắc nCoV, 493 ca tử vong, 3.223 ca nguy kịch. Đặc biệt, đã có 907 ca bình phục, xuất viện.
Tại Việt Nam, số liệu mới nhất cho thấy đã phát hiện 10 ca nhiễm, trong đó có 3 ca (thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Khánh Hoà) đã khỏi, xuất viện. Việt Nam là một trong 28 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc nCoV.
ThS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, cũng tại nước ta, hiện có 409 ca nghi ngờ, trong đó 347 đã loại trừ (xét nghiệm âm tính với nCoV), 52 ca cách ly; hiện có 349 ca đang theo dõi do tiếp xúc gần. Những ngày qua, đường dây nóng của Bộ Y tế, đã tiếp nhận 43.467 cuộc gọi, tỷ lệ kết nối thành công gần 97%. Có thời điểm như 19h ngày 2-2-2020 có 2.700 cuộc gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế. Hầu hết các cuộc gọi liên quan đến cách sử dụng khẩu trang, nước rửa tay, dấu hiệu mắc nCoV…
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết thêm, vi rút corona bắt đầu xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, con số mắc nCoV tăng rất nhanh, con số tử vong tăng từng ngày. Hôm nay, trên thông tin đại chúng, cho thấy tại Trung Quốc đã có thông tin khả quan, con số nghi nhiễm giảm đi, trong khi con số chữa khỏi tăng lên. Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào các giải pháp phòng chống nCoV. Trong đó, môi trường có ánh nắng, tia cực tím, nóng và gió được cho là không thuận lợi cho nCoV tồn tại.
Chia sẻ thông tin về loại vi rút mới này, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, nhiều thông tin cho thấy chủng vi rút này cùng họ vi rút corona. Trong chủng này có 6 nhóm lớn, nCoV chính là nhóm thứ 7. Trong nhóm corona có 3 đợt dịch: SARS 2003, MERS- CoV và New corona - nCoV. 'Khả năng lây lan của virus này là rất nhanh; phải triển khai các biện pháp cần thiết mới khống chế được' - GS.TS Nguyễn Thành Long nói.
3 phương thức lây truyền chủ yếu
Đó là: (1) Qua không khí (lây qua tiếp xúc giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp của chúng ta); (2) Lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp người bệnh, ngay cả bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng bệnh vẫn bị lây); (3) Khi ho, hắt hơi ra ngoài môi trường, không lơ lửng trên không khí (nguy cơ mức độ thấp) mà chủ yếu là lây qua tiếp xúc, khi ra ngoài, tồn tại trên các bề mặt khá lâu, khi ta sờ vào các bề mặt đó rồi đưa lên mũi, mắt, miệng… là đường lây truyền đáng quan ngại.
Thêm một đường nữa là qua đường phân, thường lây nhiễm khi chăm sóc người lây nhiễm. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để phòng bệnh này phải kết hợp tất cả các biện pháp. Trong đó, WHO luôn khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, vì 10 phút một lần, con người lại có thói quen đưa tay lên mặt.
Ngoài ra, vệ sinh bề mặt, tránh tiếp xúc đám đông, tiếp xúc người bị bệnh là rất quan trọng. WHO khuyến nghị, Việt Nam đang đi đúng hướng và các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam thực sự vào cuộc quyết liệt. Đây là một thành công lớn. Việt Nam đang kiểm soát ở mức độ tốt nhất. Người dân cần bình tĩnh mới chiến thắng được dịch bệnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia thế giới, đỉnh dịch tại Trung Quốc có thể sẽ diễn ra từ 7-10 ngày tới. Người bị nhiễm nCoV sẽ không tái nhiễm, miễn dịch trong cơ thể có thể kéo dài trong 2 năm. 80% trường hợp tử vong ở Trung Quốc là trên 60 tuổi và 70% có bệnh nền.
WHO khẳng định: Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa thấy có lợi ích bảo vệ với những người chưa bị bệnh. Vi rút này nhạy cảm ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, gió... nên người dân cần mở cửa sổ để tạo thông thoáng khí.
Thời gian ủ bệnh: Từ 1 đến 14 ngày. 14 ngày là thời gian yên tâm nhất để cách ly. Hiện không có thuốc phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, dựa trên nguyên tắc cơ bản là: Điều trị triệu chứng; đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước, điện giải; theo dõi thật sát diễn biến độ bão hoà oxy trong máu (hô hấp). Không phải tất cả bệnh nhân mắc nCoV đều phải dùng máy thở. Qua tổng kết theo dõi 10 bệnh nhân tại Việt Nam, đa phần điều trị triệu chứng, trừ bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc có nhiều bệnh lý nền thì cho thở oxy.
Bộ Y tế chỉ đạo tất cả bệnh viện trung ương phải chuẩn bị tình huống xấu nhất là dịch lan rộng, dự trữ hơn 3.000 giường bệnh; Hà Nội là gần 2.000 giường bệnh. Tất cả các trường hợp mắc bệnh này, thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A khi đã công bố dịch trên toàn quốc đều được điều trị miễn phí.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!