Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 28/8/2016, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây truyền của vi-rút Zika, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người.
Đặc biệt tại Singapore, trường hợp nhiễm vi-rút Zika đầu tiên được thông báo ngày 28/8/2016, trong 04 ngày (đến ngày 31/8/2016) đã ghi nhận 82 trường hợp.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm vi-rút Zika và có một số trường hợp người nước ngoài phát hiện nhiễm vi-rút Zika sau khi đi du lịch trở về từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh.
Hiện nay, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã chững lại trong những tuần gần đây nhưng hiện đang vào thời điểm mùa mưa kèm theo các diễn biến bất thường của thời tiết tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết phát triển nên vẫn có nguy cơ gia tăng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Để chủ động phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đã có Công văn số 6606/BYT-DP ngày 05/9/2016 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết.
Theo đó, các địa phương triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng; ngành y tế giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tế, Pasteur khu vực để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Ngành y tế cần phun hóa chất xử lý triệt để các ổ dịch, đảm bảo 100% các hộ gia đình, 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị; tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc lây truyền của vi-rút Zika mặc dù có chiều hướng chậm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véc tơ truyền bệnh.
Để tăng cường giám sát bệnh do vi-rút Zika, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: vi-rút Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya. Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ.
Bộ Y tế đã họp trực tuyến tại 4 điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa và Tây Nguyên, thống nhất cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có, sử dụng kỹ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thể tổ chức phòng chống kịp thời.
Một số tiêu chuẩn đề xuất như tiêu chuẩn lựa chọn các tỉnh, thành phố giám sát ưu tiên cho những nơi có trường hợp nhiễm Zika, có liên quan dịch tễ với các trường hợp nhiễm Zika, có mật độ muỗi Aedes cao, có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue cao, có giao lưu đi lại nhiều trong nước và quốc tế.
6 điều cần phải biết về vi-rút Zika. (Video: Zing.vn)
Kế hoạch triển khai giám sát sẽ mở rộng ra các phòng khám ngoại trú, nơi bệnh nhân thường có biểu hiện các triệu chứng nhẹ tới khám nhằm lấy được đúng đối tượng giám sát, hạn chế việc bỏ sót đối tượng.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cần xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để triển khai sớm trong đầu tháng 9/2016; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cán bộ nhằm thống nhất quy trình xét nghiệm, chọn mẫu giám sát trên toàn quốc.
>> Xem thêm: Vi-rút Zika: Vì sao 'quá nhanh, quá nguy hiểm'?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!