Theo đó, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó tỉnh Đăk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó có 01 trường hợp tử vong) và tại tỉnh Kon Tum 8 trường hợp.
Để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đăk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng. Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu. Phối hợp với các Sở ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm chủng tại xã Quang Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh: Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh Đắc Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.
Sở Y tế các tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình thu dung và điều trị người bệnh bạch hầu về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo đúng quy định hiện hành.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!