BS Nguyễn Thị Hòa: Cứng hàm sau khi ăn bánh tráng

Cần biết - 05/17/2024

Biểu hiện của bệnh loạn năng thái dương hàm đó là cảm thấy khó khi ăn nhai, há miệng bị đau.

Câu hỏi: Chào bác sĩ, em tên là Lê Minh Trung, 20 tuổi. Thời gian gần đây, khi em ăn các loại thức ăn cứng như xương, gân thì hàm của em bị đơ lại (cảm giác bị kẹt lại ở hàm bên phải) và không mở to ra được nữa nhưng khép miệng lại thì được. Không đau, nhưng nếu cố gắng mở to miệng thì sẽ bị đau một chút. Có khi hết ngay sau đó nhưng cũng có lúc mất 1 - 2 phút mới hết. Lúc đầu có hỏi bạn bè học y thì họ bảo là: Không sao đâu, Tự nó hết thôi nhưng đáng lo hơn là hôm qua ăn bánh tráng cuốn cũng bị như vậy. Xin bác sĩ cho em được biết đó là bệnh gì, mức độ nguy hiểm và cách chữa trị của bệnh. Cám ơn bác sĩ rất nhiều.

BS Nguyễn Thị Hòa: Cứng hàm sau khi ăn bánh tráng

Trả lời:

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:

Với các triệu chứng bạn mô tả thì có thể bạn bị loạn năng thái dương hàm. Bệnh này có triệu chứng không rõ ràng, có thể thoáng qua và có thể tự nhiên khỏi. Tuy nhiên nếu để lâu sẽ rất khó điều trị và làm cho cơ thể mệt mỏi và khó chịu.

Biểu hiện của bệnh loạn năng thái dương hàm đó là cảm thấy khó khi ăn nhai, há miệng bị đau và biểu hiện ở khớp nhai là có tiếng lục cục ở bên trong khớp khi há miệng. Thường gặp nhất là dấu hiệu đau tại cơ nhai, ở cơ thái dương vùng mặt có thể có cảm giác khó chịu, căng mỏi. Triệu chứng đau có thể thấy ở nhiều vị trí khác nhau như đau ở tại cơ, đau sau khi nhai nhiều hoặc khi ăn thức ăn dai và cứng. Đau nhiều có thể dẫn tới co thắt cơ làm cho động tác há miệng bị hạn chế.

Khi cơ nhai hoạt động liên tục kéo dài gây nên phì đại cơ, làm cho khuôn mặt không đều, mất cân đối (một bên phình to, một bên bình thường) và gây nên hiện tượng nhai lệch.

Biểu hiện tại khớp: hay gặp là đau khớp hàm, nhất là khi nhai. Có thể có tiếng kêu ở khớp (có tiếng kêu khi há miệng) nếu nhẹ thì tự bệnh nhân thấy còn nếu bị nặng thì người bên cạnh cũng nghe thấy và khi này việc điều trị sẽ tương đối khó.

Giãn khớp: bình thường khi há miệng có thể đút lọt 3 ngón tay qua miệng nhưng nếu bị giãn khớp có thể đút lọt cả bàn tay và rất dễ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là trật khớp thái dương hàm, dính khớp….

Đây là 1 bệnh không khó chữa nhưng do chúng ta chủ quan ở giai đoạn sớm và chỉ đi khám ở giai đoạn muộn nên khó điều trị. Với tình trạng hiện tại bạn nên đến chuyên khoa răng hàm mặt để khám và điều trị sớm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!