Biến chứng nguy hiểm
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vừa mổ cấp cứu cho bé trai 2 tuổi bị viêm xoang có khối mủ lớn trong hốc mắt. Mẹ của bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện khoảng nửa tháng, bé liên tục chảy nước mũi, mắt sưng nên gia đình đưa đến bệnh viện.
Qua kết quả chụp CT scan, các bác sĩ xác định bé bị viêm xoang cấp tính gây biến chứng và áp xe hốc mắt bên phải. Bệnh nhi được chỉ định điều trị kháng sinh, kháng viêm sau đó phẫu thuật nội soi mũi xoang dưới lấy toàn bộ ổ áp xe hốc mắt ra ngoài.
Rất may bệnh nhi được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nếu không sẽ gặp nguy cơ mù lòa.
Chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ là một trong những dấu hiệu của viêm xoang. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, vùng mặt chúng ta có một hệ thống khoang rỗng được lót bởi niêm mạc gồm có xoang hàm, xoang sàng, xoang trán, xoang bướm. Các xoang này không chỉ giúp làm vùng sọ mặt nhẹ hơn mà còn có khả năng cộng hưởng âm thanh tạo nên giọng nói đặc trưng cho mỗi người. Viêm mũi xoang xảy ra khi lớp niêm mạc bao phủ bên trong xoang tổn thương do tác động của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất, khói bụi hay các chất gây dị ứng…
Dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm mũi xoang được chia thành viêm xoang cấp hay mạn tính. Ở trẻ em, viêm mũi xoang cấp thường xuất hiện sau một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính. Sau 5-7 ngày các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp có khuynh hướng nặng hơn với biểu hiện như sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau sau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng…
Với trường hợp viêm xoang mạn tính, triệu chứng kéo dài trên 3 tháng nhưng mức độ ít rầm rộ hơn. Trẻ có thể sốt hâm hấp từng đợt, đau họng tái phát, khàn tiếng, ho kéo dài, ngạt mũi, sổ mũi, giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi, ù tai, đau tai…
Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, nhưng nếu không được điều trị triệt để, viêm mũi xoang có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, giảm thị lực hay mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị, giảm thính lực do viêm tai giữa tái đi tái lại, viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa…
Điều trị thế nào?
Phương thức điều trị sẽ tùy theo nguyên nhân, mức độ và thời gian mắc bệnh. Đối với viêm xoang cấp thời gian điều trị khoảng 7-14 ngày; trong trường hợp viêm xoang mạn tính có thể kéo dài 4- 6 tuần. Bên cạnh việc điều trị tích cực cần phải giải quyết các vấn đề khác có thể làm cho tình trạng viêm mũi xoang nặng hơn hoặc gây thường xuyên tái phát như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, bất thường cấu trúc giải phẩu vùng mũi…
Ở trẻ em, viêm mũi xoang được điều trị chủ yếu bằng cách dùng thuốc đặc trị như kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng và sử dụng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để làm vệ sinh mũi thường xuyên giúp cho việc dẫn lưu chất nhày trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề phẫu thuật chỉ đặt ra trong trường hợp bệnh không cải thiện hay thường xuyên tái phát dù đã điều trị đúng và đủ thời gian. Tùy theo trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định nạo VA, mở rộng lổ thông xoang, loại bỏ những bất thường giải phẫu trong hốc mũi, cắt bỏ polyp…
Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ. Ảnh minh họa
Những việc cha mẹ cần ghi nhớ để tránh trẻ mắc bệnh
- Khi bé bị ốm nên đưa bé đi khám bệnh và tuân thủ theo điều trị. Không tự ý cho bé dùng thuốc hay ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
- Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ, tránh nuôi súc vật trong nhà.
- Hạn chế sử dụng máy lạnh
- Không hút thuốc lá, không cho bé đến gần những khu vực sản xuất khói bụi nhiều.
- Cho bé mang khẩu trang y tế mỗi khi ra đường để giảm nguy cơ hít phải khói bụi và các chất gây ô nhiễm khác.
- Dùng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để vệ sinh mũi cho bé mỗi ngày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!