BS Nguyễn Thị Hòa: Lưu ý về lối sống khi mắc Thalassemia

Cần biết - 05/05/2024

Thalassemia là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu.

BS Nguyễn Thị Hòa: Lưu ý về lối sống khi mắc Thalassemia

Hồng cầu bệnh nhân không bền, bị phá hủy sớm làm bệnh nhân bị thiếu máu và ứ sắt. Thalassemia có nhiều thể bệnh. Nếu bị thể nhẹ, có nghĩa là những người chỉ mang gen bệnh, không có triệu chứng lâm sàng bình thường hoặc chỉ thiếu máu nhẹ. Ở thể trung gian, người bệnh có triệu chứng lâm sàng thiếu máu nhẹ hay trung bình; trẻ sinh ra vẫn bình thường, dấu hiệu thiếu máu thường xuất hiện từ 3 - 6 tuổi. Nhưng ở thể nặng thì bệnh nhân bị thiếu máu nặng và sớm từ 5 - 6 tháng tuổi.

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết:

'Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân sẽ bị thiếu máu trầm trọng, vàng da, gan lách to. Ngoài ra, trẻ dễ bị chậm phát triển thể chất, vận động và tâm thần. Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào thể bệnh. Trường hợp bị Thalassemia thể nhẹ thì không cần điều trị. Bị ở thể trung gian bệnh nhân cần được theo dõi dấu hiệu thiếu máu, nếu có dấu hiệu thiếu máu nặng hoặc huyết sắc tố giảm thấp thì cho truyền hồng cầu lắng. Với thể nặng, bệnh nhân cần được truyền máu thường xuyên để duy trì cuộc sống, tránh cho tim không bị suy, tủy xương không hoạt động quá mức.

Cần lưu ý lối sống và phương pháp điều trị tại nhà:

- Tránh quá tải sắt: Không tự uống các thuốc có chứa sắt

- Chế độ ăn khỏe mạnh: Chế độ ăn cân bằng giàu dinh dưỡng có thể làm cơ thể khỏe mạnh. Có thể uống acid folic để tăng tạo hồng cầu, nhưng phải theo chỉ định của bác sỹ. Để giữ cho xương vững chắc, nên bổ sung canci, kẽm và vitamin D. Nên tham khảo ý kiến bác sỹ để biết khi nào nên uống thuốc gì và thời gian trong bao lâu.

- Tránh bị nhiễm trùng: bằng rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bị ốm. Đặc biệt nếu đã bị cắt lách, bệnh nhân thalassemia nên được dùng vaccine phòng cảm cúm, viêm não, viêm phổi, viêm gan B. Nếu bị sốt hoặc có triệu chứng nhiễm trùng nên đi khám bác sỹ để được điều trị kịp thời.

- Khám bệnh định kỳ.'

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!