Bệnh tiểu đường (còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc-môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước.
BS. Nguyễn Thị Thúy - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế, cho biết:
Với người bị tiểu đường thì những món ăn như mì ăn liền, bánh mì, miến… là những thực phẩm nếu ăn một mình không kèm theo rau thì hạn chế ăn vì đó là loại thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh sau ăn, nếu ăn thì nên ăn kèm với rau xanh, hoặc các thực phẩm có nhiều chất xơ, vì các chất xơ sẽ giúp cho đường huyết của các thực phẩm trên ngấm từ từ vào máu, không gây tác dụng làm tăng đường huyết nhanh, nhiều trong cơ thể.
Bạn có thể tham khảo chế độ ăn cho người tiểu đường dưới đây:
Chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng trong điều trị tiểu đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.
Tiểu đường tuýp 1 cần chế độ ăn thích hợp và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp cho bệnh ổn định, hạn chế biến chứng. Với tuýp 2, chỉ cần chế độ ăn thích hợp kết hợp với hoạt động thể lực điều độ thường xuyên là kiểm soát được đường huyết ở giai đoạn đầu của điều trị.
Chế độ ăn của người tiểu đường:
- Nên ăn thức ăn đa dạng, nhiều thành phần.
- Ăn hạn chế chất béo nhất là mỡ động vật (thịt lợn, vịt nên bỏ da).
- Ăn nhiều thức ăn có chất xơ (các loại rau).
- Không ăn đường, không uống rượu.
- Đặc biệt phải luôn giữ cân nặng vừa phải, tránh tăng cân quá mức.
- Thức ăn làm tăng đường huyết nhiều: ngô, bánh mì, mì tôm, miến, khoai tây, cà rốt, mật vì vậy nên hạn chế sử dụng, nếu ăn nên ăn cùng với rau xanh vì rau xanh có nhiều chất xơ, nhờ đó đường sẽ ngấm từ từ, không ngấm ồ ạt nên không gây tăng đường huyết sau ăn.
- Thức ăn làm tăng đường huyết trung bình: cơm, mì, đậu hà lan, chuối, nho.
- Các thức ăn làm ít tăng đường huyết: đậu khô, đậu lăng, yaourt, sữa không đường, cam, táo.
Thức ăn nên dùng:
Đó là những thực phẩm làm tăng đường huyết từ từ. Bạn có thể dùng thường xuyên nhưng với số lượng vừa phải, phù hợp với từng người bệnh, nên phối hợp với rau xanh.
- Gạo, tấm xay, ngũ cốc.
- Thịt không mỡ hay thật ít mỡ.
- Cá nạc nên bỏ da.
- Thịt gà, thịt vịt bỏ da.
- Lòng trắng trứng.
- Sữa loại không có chất béo, yaourt.
- Các loại rau (ăn nhiều trong bữa ăn).
- Trái cây ít ngọt.
- Nên ưu tiên sử dụng chất bột đường phức tạp như đậu, khoai, gạo, mì, nui, các loại rau xanh và trái cây ít ngọt. Các chất này được cơ thể hấp thu chậm, không làm tăng đường huyết và nhiều chất xơ cần thiết.
- Luyện tập thể dục ở mức độ vừa phải (đi bộ, lao động hằng ngày, chạy xe đạp, bơi lội,...) cũng giúp hỗ trợ đáng kể trong việc điều trị bệnh tiểu đường.
Thức ăn cần tránh
- Các loại thực phẩm có đường: sau khi ăn, các loại thức ăn này sẽ chuyển hóa thành đường, làm đường huyết tăng cao, đường dư sẽ tích lũy tạo thành chất béo.
+ Đường, mật.
+ Kẹo, mứt, các loại bánh ngọt.
+ Kem, chè ngọt, nước trái cây có đường, nước ngọt có gas
+ Bơ, mỡ, váng sữa…
- Các loại rượu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!