Bộ Y tế vừa có khuyến cáo về việc sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân và phòng áp lực âm để phòng chống Covid-19. Trong đó, khuyến cáo các đơn vị không sử dụng buồng khử khuẩn có sử dụng khí ozone vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ozone gây hại cho sức khỏe
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 gửi về bộ, trong đó có buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng cũng như cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng. Trong thời gian chờ Bộ Y tế xem xét, đánh giá đề xuất này, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân di động để bảo đảm an toàn.
Buồng khử khuẩn toàn thân được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường là một buồng phun sương dung dịch clo hoạt tính hoặc 2 buồng nối tiếp nhau (buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12 ppm trong 30 giây, buồng 2 phun sương nước điện hóa hay nước javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính trong 30 giây). Tuy nhiên, ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, cho biết những khuyến cáo của cơ quan này đưa ra dựa trên các bằng chứng khoa học về nồng độ hóa chất được phép sử dụng. Theo khuyến cáo của Viện Quốc gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10 ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây.
'Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập đường hô hấp và phổi, gây hại cho người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt' - bà Hương nói.
Bệnh viện cũng từ chối
Theo bà Hương, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe phải được hội đồng chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế... đánh giá, thẩm định trước khi đưa vào sử dụng. Có thể các đơn vị nghiên cứu, nhà sản xuất sử dụng các loại dung dịch khác nhau để diệt khuẩn nhưng với những sản phẩm buồng khử khuẩn có sử dụng các loại hóa chất nói trên cần được đánh giá về hiệu quả, công dụng và những tác hại (có thể) đối với sức khỏe.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở TP Hà Nội cho biết những ngày qua, bệnh viện có nhận được đề nghị tài trợ miễn phí buồng khử khuẩn toàn thân nhưng bệnh viện từ chối. Theo vị này, hiện chưa có cơ sở dữ liệu nào chứng minh tác dụng của các dung dịch khử khuẩn được sử dụng trong hệ thống buồng khử khuẩn. Việc khử khuẩn chỉ là bề mặt quần áo, còn trên bề mặt da thì không thể. Chưa kể, bất cứ dung dịch nào mà giết được sinh vật thì cũng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, nhất là khi hít vào đường hô hấp, đặc biệt là phổi.
Bộ Y tế khuyến cáo không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân để phòng chống Covid-19 Ảnh: THANH LONG
Từng dùng buồng khử khuẩn, có đáng lo?
Sau khi có khuyến cáo của Bộ Y tế, ngày 27-3, Sở Y tế TP HCM đã phát công văn khẩn đến các cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn về việc khuyến cáo không sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân để chống Covid-19.
Theo Sở Y tế TP, hiện nay trên địa bàn có một số cơ sở khám chữa bệnh đưa vào sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân. Theo nhà sản xuất, hệ thống buồng khử khuẩn được thiết kế theo nguyên tắc sử dụng dung dịch muối ion hóa (anolyte) dạng phun sương toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể người. Tuy nhiên, theo Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM, trong y tế, anolyte được sử dụng chủ yếu để khử khuẩn dụng cụ, bề mặt buồng bệnh, phòng mổ…
Cùng ngày, trao đổi với Báo Người Lao Động, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết một thiết bị khi đưa vào sử dụng với mục đích y khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn phải thông qua nghiên cứu khoa học, được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nghiên cứu khoa học đó phải chứng minh được 2 điều: thiết bị có an toàn khi sử dụng không và có tác dụng như mong muốn hay không.
Vì vậy, ông Thượng cảnh báo một khi Hội đồng Khoa học Bộ Y tế chưa thông qua, bộ cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng các hóa chất dùng trong buồng khử khuẩn toàn thân di động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì chắc chắn không nên dùng nữa. Nếu đơn vị nào đã lỡ lắp đặt thì cần ngưng ngay việc sử dụng. Ông Thượng cho rằng thời gian tới, rất cần một nghiên cứu khoa học về buồng khử khuẩn này, sau đó mới quyết định nên làm gì với những thiết bị đã lắp đặt.
Về những người đã bước qua buồng khử khuẩn, ông Thượng cho rằng không cần quá lo lắng nếu chỉ đi qua một vài lần. Tuy nhiên, nếu ai có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì nên đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
Phòng áp lực âm chỉ dùng để cách ly
Cục Quản lý môi trường y tế cho biết phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh.
Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị. Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao, sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.
Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí. Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.
Thêm buồng khử khuẩn sử dụng nước muối ion
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế, chế tạo hệ thống khử khuẩn toàn thân 2 buồng gồm: buồng khô khử khuẩn bằng nhiệt và ozone, buồng ướt khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn (nước muối ion).
Theo PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, để phòng ngừa Covid-19, việc áp dụng các biện pháp khử khuẩn là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay mọi người gần như chỉ mới quan tâm đến việc bảo đảm vệ sinh thông qua việc rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, trong khi các bề mặt xung quanh cơ thể như da mặt, cổ, áo quần... đều có nguy cơ mang virus.
Hệ thống khử khuẩn toàn thân 2 buồng là thiết bị phun sương toàn thân bằng dung dịch nước muối ion sẽ không chỉ làm sạch bên ngoài mà còn giúp làm sạch mũi, họng, hệ hô hấp. Đây là ưu điểm nổi bật vì muối ion khử khuẩn tối ưu, không gây kích ứng như khử khuẩn bằng clo.
'Bình thường việc khử khuẩn hay dùng Cloramin B nhưng dùng Cloramin B lại có ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng nước muối ion cho nên an toàn tuyệt đối. Khi phun lên người mà hít nước muối ion vào, chúng ta vẫn có thể sát khuẩn mũi và họng mà không bị kích ứng' - PGS Hải nói.
Đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết những ngày qua, rất nhiều người gọi điện đến viện để hỏi mua sản phẩm. Tuy nhiên, viện chỉ tập trung vào nghiên cứu, không có khả năng sản xuất nên đã bàn giao lại sáng chế này cho một doanh nghiệp để sản xuất, bán cho những người có nhu cầu.
Viện này khẳng định sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân cũng như hóa chất sử dụng để phun khử khuẩn đều đã được viện đánh giá về độ an toàn đối với sức khỏe.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!