Cả nhà cùng mắc vi khuẩn HP
Anh Nguyễn Văn D. 44 tuổi ở Hà Nội thường xuyên bị đau thượng vị, ăn uống khó tiêu. Anh D. đi khám bác sĩ nội soi sinh thiết dịch dạ dày, phát hiện bị dương tính vi khuẩn HP. Anh D về nhà sử dụng thuốc điều trị và đến nay đã được 6 tháng và đi kiểm tra lại tình trạng bệnh.
Đọc trên mạng, anh D và gia đình lo lắng vì vi khuẩn HP có thể gây ung thư, có thể lây trong cả nhà. Anh D đưa vợ và hai con đi kiểm tra và không quá bất ngờ khi vợ anh D, hai con trai đều dương tính với vi khuẩn HP.
Các bác sĩ cho biết anh D. điều trị triệt để sau 6 tháng kết quả xét nghiệm âm tính với HP nhưng cả hai con và vợ thì dương tính nên phải tuân thủ điều trị trong thời gian tiếp theo để ngăn ngừa viêm loét dạ dày do vi khuẩn này.
Giáo sư Đào Văn Long – Nguyên trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị. Thực tế, các nhà khoa học nhận thấy vi khuẩn HP trong một số trường hợp không hẳn có hại. Nhưng trường hợp này vợ anh D có dấu hiệu viêm loét dạ dày, dịch dạ dày đục…
Vi khuẩn HP dễ lây trong gia đình
GS. Long cho biết, dấu hiệu nhận biết có vi khuẩn này không đặc hiệu, một số người có dấu hiệu đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị.
Nếu tình trạng nhiễm trùng HP không được điều trị thì sau 10-20 năm sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương sâu, các tế bào bị xơ, viêm teo và bị thay thế bằng các mô sản ruột (dị sản ruột). Sự viêm teo mạn tính kết hợp với mô sản ruột lan tỏa lâu ngày khiến sản sinh ra các tế bào ung thư ở dạ dày.
Với trường hợp của anh D. bác sĩ Long cho biết cách đây 6 tháng, anh đã được nội soi dạ dày và lấy mẫu bệnh phẩm để làm test nhanh Urease và được chẩn đoán viêm dạ dày do HP. Bệnh nhân được điều trị phác đồ trong vòng 14 ngày.
Bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ và hiện tại đã không còn đau vùng thượng vị và ợ chua. Vì vậy sau điều trị 6 tháng bệnh nhân có kết quả xét nghiêm HP âm tính.
3 thói quen xấu
Xuất phát từ việc các thành viên khác trong gia đình bị lây nhiễm HP. Bác sĩ cho biết, vi khuẩn HP có thể vào cơ thể con người theo 3 con đường, bao gồm: Từ động vật sang người, từ ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước sang người và nguồn lây từ người sang người là đường lây rất phổ biến, nhất là với trẻ em.
GS Long cho biết, 3 thói quen của mọi người như hôn, nhai cơm cho trẻ, dùng đũa gắp thức ăn chung chính là con đường 'miệng – miệng' dễ nhất để vi khuẩn HP lây từ người này sang người kia.
Thói quen gắp thức ăn cho người khác, mọi người quan niệm đó là cách quan tâm, chăm sóc, hiếu khách nhưng thực ra đó là cách truyền bệnh lây nhiễm mà không ai biết.
3 thói quen xâu dễ gây viêm loét dạ dày thậm chí ung thư dạ dày
Sử dụng nguồn nước và thức ăn của những người sống cùng nhau trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP cũng có thể lây truyền cho người thân.
Theo GS Long, có khoảng 70% dân số Việt Nam bị nhiễm loại vi khuẩn này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày, loét dạ dày, trá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, u mang (u lympho dạ dày)…
Thông thường, ở những nước phát triển, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP thấp nhưng các nước chậm phát triển HP nhiễm cao nhưng ở VN thì có hiện tượng ngược lại. Ví dụ như Hà nội là thành phố có mức sống cao hơn nhiều vùng khác nhưng tỷ lệ nhiễm HP rất lớn trong khi vùng núi xa xôi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ lại thấp hơn.
Việc xác định có vi khuẩn HP hay không, GS Long cho biết, hiện có 2 nhóm kỹ thuật chẩn đoán nhiễm H.P trong dạ dày là kỹ thuật xâm nhập và kỹ thuật không xâm nhập.
Các kỹ thuật xâm nhập: Mẫu được lấy bằng sinh thiết qua nội soi dạ dày ống mềm bao gồm các loại xét nghiệm mô bệnh học, nuôi cấy và test nhanh urease.
Các kỹ thuật không xâm nhập: Bao gồm test huyết thanh, test thở C13, phát hiện kháng nguyên trong phân, phát hiện kháng thể trong nước tiểu, nước bọt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!