Các thuốc gây giảm tiểu cầu

Cần biết - 05/21/2024

Một số loại thuốc khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm giảm tiểu cầu với các triệu chứng chảy máu kéo dài, xuất hiện vết thâm tím ở da, chảy máu răng, mũi...

Vì vậy, việc sử dụng các thuốc này cần hết sức thận trọng!

Tìm hiểu về giảm tiểu cầu

Giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) là một tình trạng rối loạn máu, khi số lượng tiểu cầu trong cơ thể bị thiếu hụt dưới mức bình thường. Bình thường trong cơ thể, số lượng tiểu cầu là 150.000 - 450.000 tiểu cầu trong mỗi microlit (µl) máu. Nếu số lượng tiểu cầu ít hơn 150.000 được gọi là giảm tiểu cầu (GTC) .

Tiểu cầu là những tế bào máu rất nhỏ đóng vai trò quan trọng trong sự cầm máu. Khi mạch máu bị thương, các tiểu cầu kết dính lại với nhau tạo thành cục máu đông ngăn chặn sự chảy máu.

Mỗi tiểu cầu chỉ tồn tại từ 7 - 10 ngày, nên cơ thể phải liên tục tạo ra những tiểu cầu mới (được sản sinh ở tủy xương) để thay thế. Khi tiểu cầu ở trong máu bị phá hủy hay tủy xương không sản sinh ra đủ lượng tiểu cầu, sẽ gây ra tình trạng GTC và làm gia tăng nguy cơ chảy máu ở cơ thể.

Các thuốc gây giảm tiểu cầu

Các vết thâm tím do giảm tiểu cầu

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân gây ra GTC:

- Di truyền; một số người bẩm sinh đã bị GTC do di truyền.

- Bệnh lý: một số bệnh lý như bệnh thiếu máu, ung thư máu, viêm gan C… gây ra GTC.

- Phụ nữ trong quá trình mang thai.

- Lối sống: uống nhiều rượu, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B12, sắt…

- Thuốc: một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm GTC.

Nếu số lượng tiểu cầu ít hơn 150.000 được gọi là giảm tiểu cầu

Triệu chứng:

GTC có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ giảm tiểu cầu:

- Kéo dài thời gian chảy máu.

- Xuất hiện các vết thâm tím ở da.

- Chảy máu ở nướu răng hay ở mũi.

- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài.

- Sưng lách.

- Vàng da, mệt mỏi…

Các thuốc gây giảm tiểu cầu

Thuốc là một trong những nguyên nhân gây ra GTC. Một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài gây ra tác dụng phụ làm GTC. Các thuốc này tác động theo một trong hai cơ chế:

Phá hủy tiểu cầu trong máu do kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể tấn công và tiêu diệt tiểu cầu (còn được gọi là thuốc gây GTC theo cơ chế miễn dịch).

Ngăn chặn sự sản sinh tiểu cầu ở tủy xương (còn được gọi là thuốc gây GTC không theo cơ chế miễn dịch).

Các tiểu cầu kết dính lại với nhau tạo thành cục máu đông ngăn chận sự chảy máu

Các loại thuốc sau đây thường gây ra tác dụng phụ GTC:

Nhóm thuốc hóa trị liệu trong điều trị ung thư:oxaliplatin, irinotecan…

Nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu ức chế Glycoprotein IIb/IIIa:abciximab, Eptifibatide, Tirofiban…

Nhóm thuốc chống co giật:carbamazepin, phenytoin, valproic acid.

Nhóm thuốc kháng sinh:ampicillin, vacomycin, sulfamethoxazol-Trimethoprim, sulfasalazin…

Nhóm thuốc tim mạch:amiodaron, quinidin, quinin.

Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID):ibuprofen, diclophenac, naproxen…

Ngoài ra, còn có các thuốc khác như: heparin, paracetamol, haloperidol…khi sử dụng trong một thời gian dài cũng gây ra GTC.

Khi sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây GTC, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng do GTC gây ra (chảy máu kéo dài, vết thâm tím ở da…) cần nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc để có hướng xử lý kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!