Từ những vụ án thương tâm
Mới đây, người ta không khỏi bàng hoàng và day dứt khi biết tin về vụ mẹ đẻ cho con trai 3 tuổi uống thuốc độc và sau đó tự tử bằng nhiều vết dao cắt ở Đồng Nai. Cháu bé đã tử vong còn người mẹ đã qua cơn nguy kịch. Thật sự điều này khiến chúng ta không thể tin nổi bởi lẽ trên đời này có người mẹ nào đang tâm 'giết hại' chính đứa con mình mang nặng đẻ đau và nuôi nấng. Trước đó cũng đã xảy ra không ít các vụ án tương tự như vậy.
Ngày 3/1/2016, tại Hà Nội, một người phụ nữ tên là Ngọc Vân, sinh năm 1991, giáo viên dạy ngoại ngữ đã sát hại đứa con 3 tháng tuổi trong đêm rồi nhảy hồ tự tử gần Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 20/11/2015, Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án giết người để điều tra việc 3 mẹ con Đỗ Thị Ái Nguyên, 30 tuổi, ở huyện Cần Giuộc (Long An) tử vong tại nhà riêng. Từ những chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra tình nghi chị này đã giết các con rồi tự tử.
Sự quan tâm chăm sóc của người chồng sẽ giúp phụ nữ vượt qua những thay đổi tâm lý sau khi sinh.
Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết thương tâm của những đứa trẻ vô tội?
Theo như điều tra của các cơ quan chức năng, phần lớn các vụ án thương tâm này đều do những người mẹ có bệnh lý như tâm thần phân liệt, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác. Trước hết, tình trạng này xuất phát từ những mâu thuẫn trong gia đình không thể giải quyết hoặc sau khi sinh đẻ xong. Có một số vụ án mà người mẹ chỉ vì sự hờn ghen, tức giận với chồng đến mức muốn trả thù bằng cách tước đoạt cuộc sống của con. Hoặc chính người mẹ cảm thấy bất lực với cuộc sống mà đã sát hại con đẻ rồi tự kết liễu đời mình.
Các chuyên gia cho rằng, các biểu hiện trầm cảm của những người phụ nữ này được biểu hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như họ luôn cảm thấy chán nản, buồn rầu, ủ rũ, không muốn hoạt động và nhìn mọi thứ với màu sắc ảm đạm, thê thảm không có tương lai. Ngoài ra, trong đầu họ luôn có những ý nghĩ tự ti, thậm chí hoang tưởng tự buộc tội. Từ đó mà họ thường có ý nghĩ và hành vi tự sát. Các bức thư tuyệt mệnh của họ để lại cho người thân với nội dung tự buộc tội bản thân mình. Chẳng hạn như trong nội dung bức thư của người mẹ tên Ng. ở Đồng Nai có dòng: 'Xin lỗi bố mẹ, con là đứa con bất hiếu...' hay của chị Nguyên ở Long An: 'Gửi cha mẹ hai bên nội ngoại, chồng... Con là đứa con không ngoan... nên con xin lỗi ba mẹ hai bên nội ngoại, xin lỗi chồng. Con xin phép được chết và mang theo hai con của con đi chung với con'.
Để không còn những vụ án đau lòng như thế…
Thiết nghĩ điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng là chính là bản thân những người trong cuộc.
Là phụ nữ, ai cũng mong ước có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc bên chồng con và những người thân. Để làm được điều đó cần rất nhiều sự nỗ lực hy sinh của những người vợ để chăm lo, vun vén gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải yêu thương và trân trọng chính bản thân mình. Có như vậy chúng ta mới có thể yêu thương những người xung quanh. Dẫu biết rằng cuộc sống đôi khi không như mong đợi, có những người phụ nữ thiệt thòi gặp phải những cảnh éo le trong cuộc sống gia đình như chồng nghiện hút, cờ bạc, ngoại tình... hay muôn ngàn vấn đề khác, song điều quan trọng là chúng ta hãy chọn cho mình một lối đi đúng đắn.
Nó hoàn toàn trái ngược với việc lựa chọn cái chết. Đối với người phụ nữ khi may mắn có con thì niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời chính là mỗi ngày nhìn con khôn lớn trưởng thành. Hãy nhìn lại xem ngoài xã hội kia có bao người phụ nữ hiếm muộn không có con. Họ khao khát biết bao được nghe thấy tiếng nói cười của con trẻ. Vậy thì tại sao chúng ta không nỗ lực vượt qua gian khó, vượt qua sự ích kỷ của bản thân để nghĩ tới tương lai của con trẻ để vững vàng sống tiếp.
Cần phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý của người phụ nữ để có can thiệp y tế kịp thời.
Có lẽ người trong cuộc còn là những người đàn ông, những người chồng trong gia đình. Chúng ta hãy ngẩng cao đầu và sống như những bậc quân tử. Trên đời này, rượu chè, cờ bạc hay ngoại tình là những thứ chắc chắn sẽ hủy hoại cuộc sống gia đình. Chúng ta hãy trân trọng những người thân yêu là vợ con để cảm thông chia sẻ cùng người bạn đời những khó khăn. Nếu duyên tình không may đứt gánh thì người đàn ông cũng hãy lựa chọn cách ứng xử tế nhị, khéo léo với người phụ nữ đã một thời gắn bó cùng mình.
Để không còn tiếp diễn những vụ án đau lòng như thế, những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em... cũng nên gần gũi, quan tâm, động viên và vun đắp cho cuộc sống của những người phụ nữ. Chúng ta cần theo dõi và để ý tới những biểu hiện bất thường về mặt tâm lý của họ như: buồn bã, u sầu, tính khí khác thường, các triệu chứng hoang tưởng hay hành vi lạ thường... Đối với những trường hợp được xác định là bệnh lý như trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc hành vi... cần được chữa trị bằng thuốc chỉ định kết hợp với liệu pháp tâm lý cùng với việc giám sát thường xuyên tại gia đình hoặc tại bệnh viện.
Ngoài ra, sau khi sinh đẻ, người phụ nữ rất dễ đối mặt với trạng thái mà các nhà chuyên môn gọi là 'trầm cảm sau khi sinh'. Vấn đề này sẽ dần dần trôi qua cùng với sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng.
ThS. Nguyễn Như Phương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!