Cách bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi nắng nóng

Các bệnh - 11/24/2024

Những ngày trời nắng nóng cao độ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, trong đó người cao tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Mùa hè với những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người cao tuổi - nhóm đối tượng vốn đã dễ bị nhiễm bệnh hoặc có sẵn nhiều bệnh lý nền mạn tính. Khi nhiệt độ lên cao, mồ hôi ra nhiều hơn, cơ thể dễ bị mất nước và chất điện giải khiến sức đề kháng của người cao tuổi suy giảm. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng của các cơ quan khác như tim mạch (tim đập nhanh hơn, huyết áp không ổn định), cơ quan tiền đình cũng dễ bị tác động...

Một số bệnh người cao tuổidễ mắc do nắng nóng

Người cao tuổi dễ bị cảm cúm và các bệnh đường hô hấp cũng gia tăng khi trời nóng, do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc cho quạt chiếu thẳng vào người cho đỡ nóng), nếu nhẹ có thể bị sổ mũi, đau đầu, ớn lạnh, viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, họng, viêm xoang...), nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Cách bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi nắng nóng

Hướng dẫn người cao tuổi cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Cơn tăng huyết áp kịch phát là vấn đề đáng lo ngại do trạng thái nóng lạnh đột ngột: tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá hoặc đang nóng đi vào phòng máy lạnh ngay hay đang nóng, ra nhiều mồ hôi tắm nước lạnh ngay, hoặc uống bia lạnh để giải nhiệt. Tăng huyết áp đột ngột, nếu nhẹ có thể thấy hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim, nếu nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ. Cần lưu ý, đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa nắng nóng chiếm một tỉ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglycerid), đái tháo đường... Thói quen dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp kéo dài nhiều giờ, đặc biệt vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do lạnh. Mùa hè, nhiều người có thói quen uống các loại nước giải khát có gas, uống bia đá lạnh, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về tim mạch và đột quỵ ở người cao tuổi. Tỷ lệ đột quỵ mùa nắng nóng ở người cao tuổi thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng, lúc thân nhiệt có nhiều thay đổi. Nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp không được tắm nước lạnh đột ngột khi vừa đi ngoài nắng nóng vào, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Say nắng, say nóng dễ gặp ở người cao tuổi khi nắng nóng. Người già dễ bị rối loạn hệ thần kinh, hệ tim mạch bởi sự mất nước, chất điện giải do trời nóng nhưng khả năng tự điều chỉnh của người cao tuổi là rất khó khăn vì mọi chức năng đã suy giảm, hệ thần kinh đã bị trì trệ. Hậu quả là nếu nhẹ sẽ làm cho cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt, mạch nhanh, tim đập dồn dập, nặng hơn có thể truỵ tim mạch.

Chứng rối loạn tiêu hóa vào mùa hè cũng gia tăng do chế độ ăn uống không hợp lý: ăn rau sống, ăn các món gỏi, tái chưa đủ độ chín, uống nước đá nhiễm bẩn... Người cao tuổi bị đi ngoài phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày dễ dẫn đến mất nước và chất điện giải. Chứng khó đi vệ sinh (táo bón) cũng dễ xảy ra gây trướng bụng khó chịu. Chứng táo bón xảy ra do người cao tuổi ít ăn rau, uống nước không đủ.

Do nắng nóng, người cao tuổi lúc ngủ, nghỉ không nằm màn có thể mắc các bệnh do côn trùng đốt, nhất là bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh về da ở người cao tuổi vào mùa hè cũng có dịp phát triển. Do sự thay đổi nhiệt độ của mùa hè và sức đề kháng giảm tạo điều kiện lây lan các tác nhân gây viêm da. Các trường hợp như viêm da dị ứng, nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét hay bệnh zona thần kinh tổn thương da có thể gây bội nhiễm, đau nhức, khó chịu trong thời gian dài.

Do trời nắng nóng, thời tiết thay đổi đột ngột có thể xuất hiện đau cơ, xương khớp, đặc biệt, các cơn đau thường xảy ra ở khớp gối, cột sống thắt lưng, các khớp ở bàn tay, bàn chân.

Phòng bệnh mùa nắng nóngnhư thế nào?

Để phòng bệnh mùa hè, người cao tuổi nên lưu ý: Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, không để tình trạng khát nước. Nên ăn nhiều rau, trái cây, nhất là các loại rau, quả dễ tiêu hóa vừa để cung cấp thêm nước, các vi chất, vừa để chống táo bón. Người mắc bệnh mạn tính cần uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh cho mình để tránh bệnh tái phát, nặng thêm.

Người cao tuổi không ra ngoài khi nắng gắt, nếu công việc buộc phải ra khỏi nhà, cần đội mũ hoặc nón rộng vành, mặc ít quần, áo, tốt nhất là loại vải cotton, có kính râm càng tốt. Khi ngoài nắng về nhà, không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, không nên dùng thực phẩm lạnh quá (chè lạnh, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...); không nên uống bia lạnh, nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn; không vào phòng máy lạnh ngay, không cho quạt gió xoáy vào mình và không được tắm ngay khi còn mồ hôi. Không tắm biển, sông, suối, ao, hồ lúc trời nắng gắt, nhất là gần trưa, buổi trưa, xế chiều. Nếu phải làm việc trong điều kiện nắng, nóng, cần uống thêm nước có pha một ít muối ăn sẽ rất tốt, nếu có điều kiện uống thêm nước trái cây.

Mùa nắng nóng, cần ăn uống hợp vệ sinh, tránh xa thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo, rau sống...) hoặc thực phẩm của ngày hôm trước (đề phòng đã nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ôi, thiu). Dù nóng nhưng lúc ngủ (kể cả ngủ ban ngày) đều phải nằm màn để tránh muỗi đốt.

Nên tham gia các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi về mùa hè (tập thể dục dưỡng sinh hoặc đi bộ, chơi cầu lông, bơi) vào sáng sớm, lúc mặt trời vừa mọc, chiều muộn hoặc đi bộ tùy theo sức khỏe khi trời đã dịu mát. Tránh tập thể dục, bơi, đi bộ lúc trời còn nắng nóng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!