Tiêu chảy là bệnh thường không quá nghiêm trọng và bệnh nhân có thể tự hồi phục. Vì vậy, bạn có thể điều trị tiêu chảy cũng như những triệu chứng đi kèm như mất nước tại nhà.
Tiêu chảy là hiện tượng thường gặp ở nhiều người mà nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp vệ sinh hoặc do tác dụng của thuốc. Trong nhiều trường hợp, tiêu chảy hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà. Mời bạn tham khảo cách điều trị tiêu chảy đơn giản và hiệu quả tại nhà bạn nhé.
Bổ sung nước cho cơ thể
Khi bị tiêu chảy, cơ thể bạn không chỉ bị mất nước mà còn bị mất các chất điện giải như kali và natri. Vì vậy, bạn phải bù nước và muối khoáng cho cơ thể. Bạn có thể uống nước khoáng, nước ép,… để cơ thể không bị mất nước. Nếu các loại thức uống khiến dạ dày của bạn khó chịu và hoặc triệu chứng tiêu chảy xuất hiện thì bạn nên truyền dịch vào cơ thể.
Uống nước lọc là cách tốt nhất để bù nước lại cho cơ thể. Tuy nhiên, nước lọc không có chứa muối và các chất điện giải – những chất cần thiết để duy trì nhịp tim ổn định. Bạn có thể cung cấp các chất điện giải và muối cho cơ thể thông qua việc uống các loại nước ép trái cây, dùng các loại súp và bánh mặn. Bạn nên lưu ý rằng một số loại nước ép như nước ép táo có thể làm cho tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
Bạn nên duy trì việc uống nước thường xuyên trong suốt giai đoạn bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu bị mắc các chứng bệnh có liên quan đến thận, tim, gan,… khiến bạn phải hạn chế việc nạp vào một số loại chất lỏng, hãy liên hệ với bác sĩ để có được sự hướng dẫn tốt nhất.
Khi cơ thể dần hồi phục sau tiêu chảy, bạn nên bắt đầu dùng các loại thức ăn nhẹ. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý tránh dùng các loại thức ăn cay, trái cây, rượu, cà phê trong vòng 48 giờ và tránh uống sữa trong vòng 3 ngày sau khi triệu chứng tiêu chảy được khắc phục. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh nhai các loại kẹo cao su có chứa sorbitol. Tuy nhiên, bạn có thể ăn phô mai và các loại men vi sinh.
Thuốc giúp điều trị tiêu chảy tại nhà
Các loại thuốc có bán tại các hiệu thuốc có thể giúp bạn điều trị các triệu chứng của tiêu chảy một cách hiệu quả. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý trong việc dùng thuốc để điều trị tiêu chảy tại nhà:
- Bạn chỉ dùng các loại thuốc trị tiêu chảy khi hiện tượng tiêu chảy kéo dài hơn 6 tiếng. Ngoài ra, nếu bị tiêu chảy ra máu kèm với sốt cao hoặc các dấu hiệu nghiêm trọng khác thì bạn không nên tự ý uống thuốc mà hãy đến bệnh viện khám ngay;
- Hãy đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng được ghi trên bao bì thuốc để đảm bảo bạn đang dùng đúng liều lượng;
- Bạn không nên sử dụng các loại thuốc không kê đơn này trong một thời gian dài để tránh tình trạng táo bón. Vì vậy, bạn hãy dừng uống thuốc trị tiêu chảy ngày khi phân đi ngoài đã đặc trở lại;
- Đối với trẻ và thanh thiếu niên bị thủy đậu hay cảm cúm, bạn không nên cho những đối tượng này dùng các loại thuốc không cần kê đơn có chứa bismuth subsalicylate (thuốc Pepto-Bismol and Kaopectate) để điều trị các triệu chứng của tiêu chảy. Nguyên nhân là do subsalicylate có liên quan đến việc gây ra hội chứng Reye – một hội chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Nếu con bạn cảm thấy buồn nôn hay nôn mửa sau khi dùng những loại thuốc trên thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay, vì đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của hội chứng Reye.
Sau đây là một số loại thuốc không cần kê đơn giúp làm chậm quá trình co thắt của ruột cũng như giúp làm phân đặc lại khi đi ngoài:
- Thuốc giúp phân đặc lại như psyllium. Loại thuốc này hấp thu chất lỏng dư thừa trong ruột, giúp phân tạo thành khối nên di chuyển chậm hơn trong trực tràng, giúp chúng ta giảm bớt số lần đi ngoài;
- Thuốc làm giảm co thắt ruột như Imodium A-D và Pepto Diarrhea Control;
- Các loại men vi sinh ở dạng viên và dạng bột như Lactobacillus. Những vi sinh vật trong các loại men này hoạt động một cách tự nhiên trong ruột, hỗ trợ việc tiêu hóa. Khi bị tiêu chảy, số lượng những vi sinh vậy này sẽ tự động giảm đi.
Tiêu chảy là hiện tượng thường không quá nghiêm trọng nên bạn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi tình trạng tiêu chảy diễn ra dai dẳng, kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác thì hãy đến bệnh viện khám ngay bạn nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì và không nên ăn gì?
- Tiêu chảy trong thai kỳ: những điều cần lưu ý!
- Tiêu chảy ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!