Cách dùng thuốc trị đầy bụng, khó tiêu an toàn

Cần biết - 05/04/2024

Domperidon còn dùng trị triệu chứng của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Khi vào cơ thể, domperidon sẽ thúc đẩy nhu động của dạ dày, làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn (nghĩa là giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống đường ruột). Khi thức ăn xuống ruột rồi, các bạn sẽ thấy dễ chịu ngay và cũng không còn thấy hiện tượng buồn nôn hay bị nôn do cảm giác trướng và nặng vùng thượng vị, khó tiêu sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột gây nên nữa.

Ngoài trị các chứng trên, domperidon còn dùng trị triệu chứng của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản và thúc đẩy nhu động dạ dày trong chứng liệt ruột nhẹ ở bệnh nhân tiểu đường sau bữa ăn do thức ăn chậm xuống ruột.

Hiện domperidon được dùng đường uống (với các dạng viên nén, hỗn dịch, thuốc sủi dạng hạt), đường hậu môn (thuốc đạn) và đường tiêm (hiện nay khuyến cáo không sử dụng thuốc qua đường này cho bệnh nhân).

Khi được bác sĩ kê đơn thuốc về dùng, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau để đạt hiệu quả cao nhất, lại an toàn cho bản thân: nên uống thuốc 15 - 30 phút trước bữa ăn; liều dùng đường uống và đặt trực tràng và số lần dùng cần theo chỉ định của bác sĩ (căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi, bác sĩ sẽ cho liều phù hợp). Đối với dạng hỗn dịch uống, chỉ sử dụng trong vòng 3 tháng sau khi mở lọ thuốc.

Khi sử dụng, người bệnh cần nhận biết về tác dụng phụ bất lợi do thuốc gây ra như khô miệng, đau đầu, mất ngủ… Nếu thoảng qua, không cần ngừng thuốc.

Tuy nhiên, nếu thấy có hiện tượng chảy sữa, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, vú to hoặc đau tức vú, các phản ứng dị ứng bao gồm sốc phản vệ, mày đay, phù Quinck (mặc dù hiếm gặp), cần ngừng thuốc và đi khám (hoặc báo cho bác sĩ biết) để được điều trị các triệu chứng này phù hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!