Cách giặt và bảo quản quần áo cho trẻ

Làm mẹ - 11/24/2024

Các mẹ không nên phơi quần áo trẻ em quá lâu dưới nắng gắt buổi trưa, vì dễ làm quần áo bé bị bạc màu và khô xơ nhanh chóng.

Xem kĩ hướng dẫn giặt trên nhãn áo khi mới mua

Một số chất liệu vải cần có những phương pháp giặt tẩy riêng. Vì vậy, việc xem kỹ nhãn đính trên sản phẩm để biết chất liệu vải và cách giặt trước khi mua là điều cần thiết. Hầu hết quần áo trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi, thường có chất liệu 100% cotton để bảo đảm thấm hút tốt, thoáng khí, mát mẻ. Chất liệu này có thể giặt với nước nóng, nhưng cần lưu ý vì dễ bị ra màu và khô xơ. Việc kĩ lưỡng trong phân loại quần áo cho trẻ sẽ đảm bảo được tuổi thọ, tăng sức bền của quần áo bé.

Giặt quần áo ngay sau khi mua về trước khi sử dụng

Quần áo mới luôn chứa một số chất bảo quản, chất tạo màu, bụi bẩn còn lưu trên quần áo. Đặc biệt là lớp hồ được tráng lên trong công đoạn cuối cùng để quần áo nhìn đẹp hơn vì vậy tuyệt đối không được mặc quần áo cho trẻ ngay khi mới mua vì điều này có thể làm hại da bé. Bố mẹ nên giặt sạch quần áo trước khi cho bé  mặc để đảm bảo an toàn cho bé. Cách làm này cũng giúp quần áo mềm hơn và khiến bé cảm thấy thoải mái hơn khi mặc.

Cách giặt và bảo quản quần áo cho trẻ

Ảnh minh họa

Dùng bột giặt chuyên dụng

Bố mẹ nên dùng giặt quần áo cho trẻ bằng một loại bột giặt dùng riêng cho trẻ em, hoặc dùng bột giặt có độ tẩy an toàn, ít mùi thơm, tránh các loại có độ giặt tẩy mạnh có thể khiến quần áo bé bị cứng, khó mặc. Hơn nữa, thành phần hóa chất có trong các loại bột giặt này cũng có thể khiến làn da bé bị kích ứng.

Giặt riêng đồ của trẻ

Nhiều mẹ để tiết kiệm thời gian thường giặt chung áo quần áo trẻ em với bố mẹ, mà quên rằng vi khuẩn và bụi bặm từ quần áo người lớn dễ bám sang đồ em bé. Việc giặt chung còn khiến những bộ trang phục vốn bé xíu, mỏng manh của con phải chịu chung lực vắt và những sản phẩm có tính giặt tẩy mạnh của người lớn.

Để bảo vệ quần áo và làn da cho con, nên giặt riêng quần áo trẻ em với chế độ giặt phù hợp, chọn những sản phẩm được chứng nhận an toàn cho làn da trẻ nhỏ.

Không sử dụng chất tẩy rửa

Các chất tẩy rửa thường chứa các dung dịch có thể gây dị ứng cho làn da mỏng và yếu ớt của trẻ. Do đó, bố mẹ không nên sử dụng để nhằm mục đích tẩy sạch các vết bẩn do bé nôn, trớ hay do thức ăn gây ra trên quần áo của bé.

Bố mẹ nên chà nhiều lần bằng bột giặt thường hay sử dụng các mẹo làm sạch quần áo có nguồn gốc tự nhiên như chanh, giấm, đường phèn…

Cách giặt và bảo quản quần áo cho trẻ

Ảnh minh họa

Giặt thật sạch, xả nhiều lần sau khi giặt

Quần áo dính bột giặt rất nguy hại cho trẻ nhỏ. Do đó trước khi phơi, bố mẹ cần phải đảm bảo rằng, quần áo của trẻ đã được giũ sạch bọt xà phòng và các chất nhớt do bột giặt tạo ra trong quá trình giặt. Hãy xả nhiều lần để quần áo của bé thật sự sạch sẽ.

Quần áo dính đồ ăn nên giặt ngay

Nếu quần áo bé dính bẩn, đừng chần chừ đợi đến khi cho bé tắm mà hãy giặt ngay. Cách làm này vừa giúp việc giặt trở nên dễ dàng hơn do các tác nhân gây bẩn còn mới, chưa ngấm vào gây hại cho da bé, đồng thời tránh việc trẻ cọ xát, tiếp xúc với chất bẩn dính trên quần áo sau đó cầm đồ vật, thức ăn đưa vào miệng.

Phơi quần áo của bé dưới ánh nắng mặt trời

Quần áo trẻ sau khi giặt sạch vẫn có thể bị bám bẩn trở lại, do vậy bố mẹ cần phơi  ngay để hạn chế vi khuẩn, đồng thời giúp quần áo khô ráo, tránh ẩm mốc.

Phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời là cách nhanh nhất giúp quần áo bé mau khô, đồng thời tác động của nhiệt độ cao có thể giúp tiêu diệt một số vi khuẩn có hại còn vương trên quần áo và bảo đảm an toàn cho trẻ khi mặc.

Tuy nhiên, các mẹ không nên phơi quần áo trẻ em quá lâu dưới nắng gắt buổi trưa, vì dễ làm quần áo bé bị bạc màu và khô xơ nhanh chóng. Cũng không nên để qua đêm vì nhiệt độ thấp khiến sương đọng trên quần áo bé và làm phai màu. Mẹo nhỏ nếu các mẹ muốn quần áo nhanh khô: Phơi quần áo ướt xen lẫn với những chiếc khăn bông khô, vừa hiệu quả lại toàn hơn so với sấy khô bằng máy.

Chú ý không nên phơi quần áo trẻ em quá lâu dưới nắng gắt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!