Là căn bệnh phổ biến thứ 2 sau bệnh tiêu hóa, viêm phổi rất dễ tái phát trong thời tiết lúc giao mùa, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ.
Phổi là cơ quan chính của hệ hô hấp, nơi trao đổi khí giữa môi trường ngoài và cơ thể. Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi do nhiễm khuẩn.
Người bị viêm phổi có dấu hiệu ho, sốt nghiêm trọng.
Người bệnh viêm phổi có dấu hiệu nhiễm độc nhiễm trùng rõ rệt, ho, sốt cao 39-40 độ C kèm rét run, mạch nhanh, mặt đỏ... Sau vài giờ thì khó thở, toát mồ hôi, môi hơi tím tái, lưỡi đỏ khô. Lúc đầu chỉ là đau rát họng ho khan, về sau này ho thường kèm theo khạc đờm đặc màu vàng xanh, hoặc có màu gỉ sắt. Thường đau dữ dội bên phía phổi tổn thương, ở trẻ em có thể đau quanh vùng hố chậu phải.
Theo Bs Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Hữu nghị cho biết, trong điều kiện thời tiết miền Bắc trong trạng thái nồm, ẩm như hiện nay, người già trên 65 tuổi và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi rất dễ mắc hoặc tái phát bệnh viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi do virus.
Viêm phổi do vi khuẩn thường gặp nhất là do phế cầu. Ngoài ra có một số virus cũng có thể gây viêm phổi nặng, đặc biệt virus nhóm corona như SARS-CoV, MERS-CoV và hiện nay là virus chủng mới (nCoV).
Virus xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp gồm mũi, họng. Nếu lượng virus đủ lớn, hàng rào bảo vệ của cơ thể không đủ mạnh, virus sẽ xâm nhập vào phế quản, vào phổi, gây các phản ứng viêm, tổn thương phổi.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus, nên mọi người cần chủ động phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi thất thường.
- Giữ nơi ở sạch sẽ: Cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tốt nhất là sống trong môi trường trong sạch, ít khói bụi. Nhà ở phải thông thoáng, về mùa lạnh phải được che kín các khe hở, nên đóng cửa để che bụi.
- Giữ cơ thể ấm: Về mùa đông, đặc biệt cần giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, nhất là với người già và trẻ em. Khi không cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm và đêm khuya, vì lúc đó thường lạnh. Nằm ngủ nên đắp chăn ấm, giường ngủ nên có đệm. Mùa đông không nên tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín không có gió lùa. Mùa hè không nên để máy điều hoà nhiệt độ ở mức quá mát lạnh, không để quạt điện hướng trực tiếp vào người lúc nửa đêm về sáng.
- Loại bỏ những yếu tố kích thích có hại: Không uống nhiều rượu, không hút thuốc lào thuốc lá...
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối về chất để có sức phòng, chống bệnh.
- Thường xuyên bảo đảm vệ sinh răng miệng. Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh biến chứng viêm phổi.
- Cần tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là tập thở sâu theo phương pháp thở bụng.
BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, người già trên 65 tuổi và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi rất dễ mắc hoặc tái phát bệnh viêm phổi.
'Khuyến cáo người già và trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên nhóm này cần chủ động đi tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm nhằm tăng sức đề kháng.'- BS Khiêm cho hay.
Người dân cũng cần tránh tập trung nơi đông người để tự bảo vệ bản thân. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh cần đi khám để được điều trị đúng cách. Không tự ý mua thuốc hay dùng đơn thuốc cũ để chữa bệnh.
Bác sĩ Khiêm cảnh báo, việc tự ý mua kháng sinh để uống sẽ làm tăng vi khuẩn kháng kháng sinh, khiến người bệnh và các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị. Việc tự ý dùng thuốc khiến bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!