Cách sơ cứu bệnh do nắng, nóng ở trẻ em

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Khi trẻ bị say nắng, say nóng thường sốt cao nên cần làm mát cho trẻ càng nhanh càng tốt bằng cách lau mát hoặc quạt mát cho trẻ.

Nếu trẻ vui chơi ngoài trời nắng quá lâu rất dễ bị say nắng, say nóng nhất là nhất là vùng nông thôn, miền núi do người lớn ít để ý…

Khi bị nhiễm nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, bé có thể bị các bệnh như sau:

Chuột rút do nóng

Trẻ bị chuột rút do nóng có những triệu chứng sau: Chuột rút do nắng thường bị nặng ở chân, tay và bụng, khi đó trẻ không sốt.

Đây là phản ứng thường gặp nhất khi ở trong môi trường quá nóng bức. Tình trạng này không nguy hiểm nên có thể chăm sóc tại nhà, không cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

- Cách chăm sóc tại nhà: Cho trẻ uống một cốc nước mát lạnh, sau 15 phút cho uống tiếp đến khi trẻ cảm thấy đỡ hơn. Có thể cho bé uống nước chanh muối hoặc ăn thức ăn có chứa muối như bánh quy.

Mệt lả do nóng

Trẻ bị mệt lả do nóng có những triệu chứng sau: Da lạnh, nhợt nhạt, không sốt (nhiệt độ dưới 37,8oC), ra mồ hôi, hoa mắt, yếu, mệt, có thể ngất.

Cách sơ cứu: Đặt trẻ nằm ở nơi mát, chân nâng cao, cho trẻ uống một cốc nước mát 15 phút uống một lần cho đến khi trẻ cảm thấy đỡ hơn.

Sau khi cho trẻ uống 2 - 3 cốc nước cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ đánh giá tình trạng mất nước và điều trị bù nước thích hợp. Vẫn tiếp tục cho trẻ uống nước trên đường chở trẻ đến cơ sở y tế.

Cách sơ cứu bệnh do nắng, nóng ở trẻ em

Ảnh minh họa

Say nắng, say nóng

Khi trẻ bị say nắng, say nóng có những triệu chứng sau: Da nóng, ửng đỏ, sốt cao trên 40oC, không có mồ hôi, lơ mơ, co giật, động kinh, sốc.

Cách sơ cứu: Sốt cao có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, do vậy cần xử trí nhanh. Trước tiên làm mát cho trẻ càng nhanh càng tốt, chuyển trẻ vào chỗ mát, lau mát cho bé bằng nước mát và quạt cho trẻ.

Chú ý, không được tự cho trẻ uống thuốc hạ sốt như ibuprofen hoặc acetaminophen vì cũng có thể không làm trẻ hạ sốt.

Nếu trẻ hôn mê, nhúng trẻ vào nước mát có thể cứu sống.

Nếu trẻ còn tỉnh, cho trẻ uống một cốc nước mát, có thể 15 phút uống 1 lần rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Phòng ngừa các bệnh do nóng

- Tránh cho trẻ chơi đùa quá lâu ngoài trời nắng, đặc biệt là khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa.

Nếu phải đi ra ngoài đường cần cho trẻ mặc quần áo nhẹ, màu sáng, đội nón rộng vành sẽ giúp trẻ bớt nóng.

- Tránh cho trẻ chơi đùa quá sức ở ngoài trời nắng. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi và uống nước.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!