Bất cứ ai cũng dễ bị nhiễm virus cúm. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân... Vậy dùng thuốc trong điều trị cúm thế nào cho đúng và cách nào để phòng ngừa…
Các triệu chứng của cúm
Bệnh cúm lây qua đường hô hấp. Khi một người bị cúm ho hoặc hắt hơi, sẽ làm bắn những giọt nước bọt mang virus xâm nhập vào không khí. Bạn có thể bị cúm nếu hít phải những giọt này qua mũi hoặc miệng, hoặc nếu bạn chạm vào các vật như tay nắm cửa hoặc bàn phím bị nhiễm virus và sau đó chạm vào mũi, mắt hoặc miệng của mình.
Các triệu chứng của cúm có thể từ nhẹ đến nặng. Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-40 độ C kèm theo rét run, cơ bắp đau nhức, đặc biệt là ở lưng, cánh tay và chân; nghẹt mũi; viêm họng; ho; ớn lạnh và đổ mồ hôi; mệt mỏi; đau đầu...
Bệnh cúm thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng cúm phát triển đột ngột hơn. Ở nước ta, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy và vứt bỏ khăn giấy vào nơi quy định.
Virus cúm liên tục thay đổi, vì vậy nếu bạn đã từng mắc bệnh cúm trong quá khứ, bạn vẫn có thể bị cúm lại. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm. Các biến chứng thường gặp của cúm như: Nhiễm trùng xoang và tai, viêm phổi, viêm phế quản, làm bùng phát bệnh hen suyễn, viêm mô tim - não hoặc cơ, nhiễm trùng huyết - một phản ứng đe dọa đến tính mạng hoặc tình trạng xấu đi như bệnh tim...
Nếu bạn là người khỏe mạnh, mắc cúm có thể không cần phải đi khám. Chỉ cần dùng thuốc điều trị các triệu chứng bằng những thuốc không kê đơn. Người bệnh có thể hồi phục trong vòng 5-7 ngày.
Tuy nhiên, ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm và/hoặc các biến chứng của cúm, đó là: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người già trên 65 tuổi, mắc bệnh mạn tính, có hệ miễn dịch suy yếu, có chỉ số khối cơ thể từ 40 trở lên… khi mắc cúm cần phải đi khám để được dùng thuốc trị cúm (khi cần thiết) kịp thời.
Bệnh cúm được chẩn đoán như thế nào?
Để xác định xem bạn có bị cúm hay không, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, hỏi về các triệu chứng của bạn và có thể làm xét nghiệm. Xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh. Tuy nhiên, các triệu chứng mà người bệnh cung cấp sẽ rất quan trọng.
Vì vậy, người bệnh cần cho bác sĩ biết chính xác các thông tin về những triệu chứng mà mình gặp phải, thời gian xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và cả những bệnh mình đang mắc phải (ngoài cúm), vì ở những người đang có sẵn một bệnh lý nào đó sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.
Thuốc điều trị triệu chứng
Khi mắc cúm người bệnh nên nghỉ ngơi, cách ly, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C. Thuốc thường dùng là paracetamol.
Cần dùng đúng liều lượng trong hướng dẫn sử dụng, cách 4-6 giờ mới được dùng liều kế tiếp. Không tự ý tăng liều thuốc vì tăng liều sẽ gây tổn thương gan (đây cũng là một tác dụng phụ có hại của thuốc cần lưu ý). Paracetamol không chỉ hạ sốt mà còn làm giảm các triệu chứng nhức đầu, đau mình mẩy, đau nhức cơ bắp… (một số triệu chứng của cúm).
Kết hợp với thuốc trị triệu chứng, người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin...).
Thuốc chống virus
Các thuốc chống virus được dùng sớm, trong vòng hai ngày (48 giờ) kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Chúng có thể làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bạn bị bệnh.
Thuốc kháng virus được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng, cúm nặng hoặc ở những người có yếu tố nguy cơ bị biến chứng do cúm như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì... Đối với các trường hợp này cần nhập viện điều trị. Hai thuốc chống cúm hiện nay hay dùng là tamiflu (oseltamivir phosphate) và relenza (zanamivir).
Tamiflu (oseltamivir): Được sử dụng để điều trị các triệu chứng cúm do virus gây ra ở những bệnh nhân có triệu chứng ít hơn 2 ngày. Thuốc cũng có thể được đưa ra để phòng ngừa cúm ở những người có thể tiếp xúc nhưng chưa có triệu chứng. Không dùng thuốc này để điều trị cảm lạnh thông thường.
Nên bắt đầu dùng thuốc càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng cúm như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
Các triệu chứng có thể bắt đầu cải thiện trước khi nhiễm khuẩn được xử lý hoàn toàn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ... Ngừng thuốc và cần sự trợ giúp khẩn cấp của y tế nếu có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: Nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng, phát ban da đỏ và phồng rộp hoặc bong tróc...
Đối với relenza (zanamivir): Đây là thuốc dạng hít được sử dụng để điều trị và phòng ngừa cúm. Thuốc làm giảm sự lây lan của virus cúm bằng cách ngăn chặn các tác dụng của men neuraminidase (một enzyme được sản xuất bởi các virus cho phép các virus lây lan từ các tế bào bị nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh).
Bằng cách ngăn chặn này, các triệu chứng và thời gian nhiễm cúm giảm đi. Cần lưu ý, dạng hít định liều này nên sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir hoặc kháng với oseltamivir, được sử dụng cho bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên. Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc này như đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho, chóng mặt...
Để điều trị cúm, oseltamivir và zanamivir thường được kê đơn dùng 2 lần/ngày trong 5 ngày, mặc dù những người nhập viện vì cúm có thể cần điều trị kháng virus trong thời gian lâu hơn 5 ngày. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, số lần dùng trong ngày và theo dõi các bất lợi của thuốc có thể xảy ra báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.
Cách phòng cúm
Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vắc xin hàng năm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nên tiêm phòng cúm vào cuối tháng 10 hàng năm, trước khi cúm bắt đầu lan rộng và để cho cơ thể bạn có thời gian phản ứng với vắc-xin và xây dựng khả năng miễn dịch.
Vắc xin ngừa cúm sẽ bảo vệ chống lại ba hoặc bốn loại virus cúm phổ biến nhất trong năm đó. Mọi người từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa. Tuy nhiên, việc chủng ngừa để phòng bệnh cúm đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao như: Nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, và người trên 65 tuổi. Việc tiêm phòng có những lợi ích quan trọng như có thể giảm bớt bệnh cúm, cũng như ngăn ngừa các trường hợp nhập viện do cúm...
Đối với người bị bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch...), việc tiêm vắc-xin ngừa cúm lại càng đặc biệt quan trọng (trừ khi bác sĩ có lời khuyên khác), vì ở những đối tượng này dễ gặp biến chứng của cúm.
Ví dụ, một người mắc bệnh hen suyễn có thể gặp các triệu chứng xấu đi hoặc bùng phát cơn hen suyễn cấp trong khi bị cúm vì nhiễm trùng có thể làm tăng viêm trong phổi. Những người mắc bệnh mạn tính thường dễ bị viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang hoặc nhiễm trùng tai. Những biến chứng này có thể đủ nghiêm trọng để yêu cầu nhập viện và đôi khi có thể dẫn đến tử vong.
Vắc-xin ngừa cúm sẽ bảo vệ chống lại ba hoặc bốn loại virus cúm phổ biến nhất trong năm.
Ngoài việc chủng ngừa, cần thực hành các hành vi vệ sinh tốt có thể ngăn ngừa virus cúm lây lan như:
Rửa tay bằng xà phòng: Sử dụng xà phòng và nước, chà trong ít nhất 20 giây. Khi không có xà phòng, hãy dùng chất sát trùng tay có chất cồn.
Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy và vứt bỏ khăn giấy. Nếu bạn không có khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay của bạn.
Tránh các khu vực đông đúc: Cúm lây lan dễ dàng hơn ở những nơi đông người như trường học, văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng... Nếu bạn bị bệnh, hãy ở nhà trong ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật như bàn phím, tay nắm cửa và điện thoại có thể bị nhiễm virus.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!